Những trái tim nhân hậu thầm lặng

02/03/2018 08:18:00

Qua bàn tay, khối óc và trái tim của người thầy thuốc, rất nhiều cuộc đời đã được hồi sinh. Điều gì có thể khiến các bác sĩ vượt qua những gian nan, vất vả trong nghề nghiệp của mình để bền bỉ với nghiệp cứu người? Đó chính là sự biết ơn của các bệnh nhân và những ghi nhận lớn lao của toàn xã hội. Vậy mà tiếp xúc với đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của BV ĐHYD trong đêm 30 Tết , tôi lại cảm nhận họ rất ít nói về thành tích của mình. Họ - những “trái tim nhân hậu thầm lặng” chỉ biết hy sinh hạnh phúc riêng tư, tất cả vì sự nghiệp cứu người.

Đêm giao thừa bình yên
Một cụ bà 70 tuổi cùng hai con trai đang ngồi lặng lẽ ở sảnh chờ khám bệnh. Đêm 30 Tết, tôi chạnh lòng khi nhiều người nhà vẫn còn phải chờ ở đây. Hỏi chuyện anh Hoàng con trai của cụ Châu rằng cả nhà anh có thấy buồn không khi ăn Tết trong viện, anh bảo: “Bố tôi đang nằm ở Khoa Hồi sức tích cực, nhưng mừng nhất là cụ ổn định rồi, dù ăn Tết ở bệnh viện nhưng cả nhà tôi đều vui. Biết bao bác sĩ cũng không được đón Tết ở nhà với vợ con, gia đình mà vẫn vui vẻ, tận tình cứu người, chúng tôi chỉ việc chờ ở đây thì có gì phải buồn, từ đáy lòng chúng tôi biết ơn các y bác sĩ rất nhiều”.

Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh, điều dưỡng viên Lan Ngọc và phóng viên trong khoảnh khắc nghỉ ngơi hiếm hoi vào đêm giao thừa đón xuân Mậu Tuất
Ảnh: Hoàng Anh
Đêm 30 Tết khi mọi nhà cùng quây quần bên mâm cơm tất niên với người thân, tôi không khỏi bùi ngùi khi nhìn thấy hàng chục bệnh nhân đang gắn trên người chằng chịt máy thở ở Khoa Hồi sức tích cực. Nhưng trong những cơn đau đớn vật lộn với bệnh tật để giành giật giữa sự sống bệnh nhân luôn có bên cạnh các y bác sĩ, điều dưỡng. Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh đón tôi ở lầu 5 và chúng tôi lặng lẽ ghé qua thăm hơn 30 bệnh nhân đang được điều trị tích cực. Cứ sau mỗi tiếng bíp bíp của máy thở, của tiếng rên la đau đớn của bệnh nhân lại thấy các nữ điều dưỡng đôn đáo chạy tới thoăn thoắt chăm sóc. Phòng làm việc vài mét vuông của bác sĩ Minh chỉ vẻ vẹn có hộp bánh và chai rượu vang, tôi đùa với anh: “Đón giao thừa giản dị vậy sao anh?”. Vị bác sĩ trẻ nhưng có thâm niên ăn Tết nhiều năm nay trong bệnh viện cười tươi: “Đôi khi chúng tôi không có khái niệm giờ phút đón giao thừa, lo cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân xong thì năm mới đến bao giờ cũng không hay nữa, với chúng tôi hạnh phúc nhất khi khoảnh khoắc một năm mới đến là tất cả bệnh nhân đều qua cơn nguy kịch”. Giao thừa đối với bác sĩ Minh đặc biệt lắm, đó không phải là bánh rượu và hoa. Kỷ niệm về một bệnh nhân đã không qua khỏi cách đây một năm khi đúng vào ca anh trực Tết tới giờ cũng không làm anh nguôi ngoai. Bởi vậy, cái khoảnh khắc tôi ngồi cùng anh, vào lúc gần 9 giờ đêm 30 khi mà các bệnh nhân đều đang ổn định là khoảnh khắc đẹp nhất, bình yên nhất.

Với bác sĩ Trần Thị Xuân Anh, ở Khoa Nội tim mạch, tối 30 Tết bận túi bụi bởi khám, cho đơn thuốc và trực mổ cấp cứu. Chị kể với tôi, bệnh nhân thì hy hữu mới phải đón giao thừa ở bệnh viện nhưng những bác sĩ như chị thì gần như đã là chuyện thường xuyên. Năm nào cũng vậy, “cuộc chiến với tử thần” của các bác sĩ luôn chính thức bắt đầu từ ngay sau thời điểm giao thừa cho đến những ngày đầu tiên của năm mới. Vào những thời điểm này, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, hầu hết là những ca bệnh nặng, đội ngũ y, bác sĩ ở mỗi khoa giảm hơn ngày thường quá nhiều do vậy các bác sĩ phải làm việc với cường độ áp lực, vất vả hơn. Giấc ngủ đêm với các chị là điều xa xỉ, có khi vừa chợp mắt, có bệnh nhân mổ cấp cứu đã phải tỉnh táo vào phòng mổ. “Mặc dù biết sự vắng mặt của mình trong đêm giao thừa là sự thiệt thòi cho cả gia đình nhưng chúng tôi và người thân vẫn vui vẻ bởi mình tâm niệm đó là nghề cứu người thì bệnh nhân là trên hết”.

Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh khoa Hồi sức tích cực theo dõi sát sao sức khỏe của bệnh nhân trong ca trực đêm giao thừa vừa qua
Ảnh: Hoàng Anh

Tại Khoa Ngoại thần kinh, bác sĩ Huỳnh Quốc Bảo đang khám lại vết mổ cho bệnh nhân Nguyễn Hàng Hải đến từ Nha Trang. Sáng ngày 28 tết các bác sĩ đã thực hiện thành công ca mổ cấp cứu u tuyến yên và chị đã bình phục khá nhanh. “Tôi rất biết ơn các y bác sĩ của khoa đã tận tình chăm sóc cứu chữa, ngay cả đêm 30 Tết mà các bác sĩ, điều dưỡng đều túc trực 24/24 giờ chăm sóc cho tôi. Vợ chồng chúng tôi mặc dù không được quây quần bên gia đình nhưng vô cùng hạnh phúc vì đã được cứu chữa tận tình”.

Sự hy sinh thầm lặng
Trong suốt 7 ngày nghỉ tết Mậu Tuất 2018, Bệnh viện ĐHYD đã tiếp nhận 643 trường hợp cấp cứu, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, người bệnh nhập viện chủ yếu do các bệnh như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, viêm phổi ở người già và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, với sự nỗ lực hết mình, các bệnh nhân hầu như đều ổn định. Và trong suốt hành trình để bệnh viện đạt được nhiều kết quả tốt đẹp đó, không thể không nhắc tới sự hy sinh thầm lặng của những điều dưỡng viên, những nữ hộ lý.

Nhiều bệnh nhân giờ đây vẫn nhớ mãi hình ảnh của điều dưỡng tận tình Nguyễn Thị Lan Ngọc khoa Hồi sức tích cực, một phụ nữ có sức chịu đựng dẻo dai đã gắn bó với hơn 10 năm. Chị cần mẫn làm những việc mà thậm chí ngay cả người nhà bệnh nhân cũng sợ không dám đụng tới mà không một lời than vãn, phàn nàn. Tâm sự với tôi, chị cho biết đã phải gửi 2 con về Kiên Giang từ 25 Tết để yên tâm công tác trong viện. Tôi hỏi chị có  tủi thân vì mình làm công việc nhỏ bé giản dị, nhưng những suy nghĩ của điều dưỡng Ngọc đáng trân trọng: “Tôi luôn cố gắng làm sao cho bệnh nhân không bị đau đớn, thấy họ khỏe mạnh, cảm ơn mình là tôi vui lắm rồi”. Tôi hỏi, tiền có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống còn không ít khó khăn, chị bảo: “Tiền quan trọng nhưng chúng tôi luôn thấy danh dự và lòng tự trọng cao hơn nhiều”.

Cũng như Ngọc, điều dưỡng Mai làm việc ở Khoa Nội tim mạch, một trong những khoa “nóng” của bệnh viện vì đông bệnh nhân nội trú, bận bịu vất vả như vậy nhưng chưa bao giờ Mai hết yêu nghề. Chị kể với tôi nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có nhưng trên hết là niềm vui, niềm hạnh phúc vì nhiều bệnh nhân hôm trước Tết mới vào tưởng không qua khỏi nhưng tới mùng hai đã qua khỏi và xuất viện.

Hay nhiều điều dưỡng viên làm việc tại Khoa Cấp cứu Nội cũng vậy. Nhiều chị phải vượt chặng đường hơn 30km từ tờ mờ sáng để chậm nhất là 6h30 phút sáng phải có mặt ở bệnh viện bắt tay vào công việc. Hàng ngày, mỗi điều dưỡng nhận nhiệm vụ chăm sóc từ 9 - 12 bệnh nhân, có nhiều dịp bệnh nhân đông quá, các chị làm miệt mài không kịp ăn trưa, ăn tối, thậm chí gặp cả bệnh nhân đau đớn mắng chửi nhưng cũng cố gắng dồn tâm sức chăm sóc một cách tốt nhất. Hình ảnh của nhiều hộ lý làm việc tại các khoa đông bệnh nhân như Hồi sức tích cực, Khoa Cấp cứu, Tim mạch cũng khiến nhiều bệnh nhân nhớ mãi vì tấm lòng chân thành, sự tận tình với bệnh nhân.
Không riêng gì các y bác sĩ mà chúng tôi đã gặp trong đêm 30 Tết mà gần 1 nghìn cán bộ nhân viên ở BV ĐHYD nơi “đứng mũi chịu sào”này cũng đã sẵn sàng xác định cho mình cái nghiệp: cứu người. Đó là có thể thức trắng đêm khi có bệnh nhân cấp cứu, có thể nhịn đói khi quá tải, là chấp nhận không đủ thời gian để chăm sóc con cái, bố mẹ già chu đáo, là ăn Tết trong bệnh viện… còn với bệnh nhân, khó khăn mấy cũng phải đi làm đúng giờ, đủ giờ và gắng hết sức. Chắc chắn, chỉ có trái tim yêu nghề, yêu người, những trái tim biết đồng vọng với nỗi đau của bệnh nhân mới làm được điều đó. Đội ngũ y bác sĩ của ngành y nói chung và của BV ĐHYD nói riêng đã dành cho người bệnh một món quà thật vô giá: Sức khỏe và Cuộc Sống.

 
Nguồn: http://www.daibieunhandan.vn

Các tin đã đăng