Ghép tạng, giải pháp kinh tế và căn cơ

06/08/2018 08:12:00

Vừa qua, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM đã trở thành cơ sở y tế phía Nam thứ hai sau bệnh viện Chợ Rẫy ghép gan người lớn thành công, qua đó có thêm lựa chọn cho người dân về nhu cầu ghép tạng để điều trị những bệnh hiểm nghèo.

Chị Kim Hường (hàng trước thứ hai từ trái qua) và hai con tươi cười sau khi hiến một phần gan cho người thân của mình. Ảnh: BVCC

Cuộc họp báo chia sẻ thông tin ca ghép thành công diễn ra lúc 9 giờ sáng ngày 24/7, nhưng anh Trần Văn Vách cùng người thân có mặt trước đó khá lâu. Họ đón xe sớm từ Tiền Giang lên TP.HCM, háo hức chia sẻ niềm vui với báo chí về ca ghép thành công và cũng biểu lộ lòng tri ân đối với tập thể y, bác sĩ bệnh viện, những người tái sinh anh Vách lần thứ hai.

Sinh năm 1968, anh Vách có hàng chục năm mắc viêm gan siêu vi B trước khi bệnh tiến triển thành xơ gan rồi ung thư gan vài năm gần đây. Nhưng sau vài lần làm TOCE (bơm hoá chất làm tắc mạch máu), bệnh ung thư gan của anh không thuyên giảm và bác sĩ nói cơ hội sống của anh chỉ còn tính từng tháng.

“Bác sĩ nói giải pháp cuối cùng cho tôi là ghép gan, nhưng tìm người cho gan không phải dễ dàng”, anh tâm sự. Không ngờ người có thể hiến gan cho anh lại không ở đâu xa, mà chính là vợ anh, chị Trương Kim Hường, sinh năm 1985. Sau khi thực hiện một loạt xét nghiệm, bác sĩ thấy các chỉ số của chị Hường và anh Vách tương thích, chưa kể tình trạng sức khoẻ của chị cũng phù hợp.

Vậy là không chút đắn đo, người vợ trẻ sẵn sàng chia sẻ một phần lá gan cho chồng mình. TS.BS Trần Công Duy Long, phó trưởng khoa ngoại gan – mật – tuỵ bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ: “Gan là bộ phận duy nhất của cơ thể có khả năng tái sinh. Khi gan được lấy đi một phần, nó sẽ tự động mọc lại.Mỗi người chỉ cần 30 – 40% lá gan là có thể sinh hoạt bình thường”.

Ca ghép diễn ra ngày 16/6, ngoài êkíp ghép tạng của bệnh viện, còn có sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia đến từ trung tâm y khoa ASAN (Hàn Quốc).Hơn 50% lá gan của chị Hường được lấy ra, tạo hình rồi ghép vào anh Vách. Một tuần sau đó, người vợ hoàn toàn khoẻmạnh, xuất viện và quay lại trực tiếp chăm sóc chồng.

Một tháng sau ca ghép, sức khoẻ anh Vách ổn định và sinh hoạt như người bình thường. Gặp giới truyền thông tuần qua, anh xúc động nói với vợ: “Chọn lấy em là quyết định đúng đắn nhất của cuộc đời anh”.

Để có thành công như ngày nay, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM mất gần 15 năm trời chuẩn bị. TS.BS Vũ Trí Thanh, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện, kể: “Năm 2004, khi ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam thành công, tôi chỉ là một bác sĩ nội trú. Lúc đó BS Nguyễn Hoàng Bắc, hiện là giám đốc bệnh viện, đã ấp ủ giấc mơ ghép tạng và anh ấy bắt tay ngay thực hiện giấc mơ này”.

Nhiều nhóm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của bệnh viện được gửi đi học ghép tạng ở ngoài nước và trong nước. Bệnh viện chọn trung tâm y khoa ASAN để hợp tác, là lựa chọn đúng vì đây là một trong những trung tâm ghép tạng hàng đầu thế giới. Tháng 8/1992, trung tâm thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên, sau đó tháng 11/1992 là ca ghép tim thành công đầu tiên. Đến tháng 5/2016, ASAN đã tiến hành thành công 5.000 ca ghép gan, tháng 8.2016 là 600 ca ghép tim thành công, chưa kể trước đó vào năm 2015 đã có 4.000 ca ghép thận và 300 ca ghép tuỵ thành công.

Theo giới chuyên môn, ghép gan thành công trong nước mang lại lợi ích to lớn về kinh tế cho bệnh nhân. Ca ghép của anh Vách tại bệnh viện đại học Y dược mất khoảng 1 tỷ đồng, bằng 1/5 so với ghép ở nước ngoài, chưa kể còn giảm được chi phí đi lại, sinh hoạt nếu ra nước ngoài ghép, cũng như tạo thuận lợi cho quá trình hồi phục và tái khám sau ghép.

Theo BS Duy Long, chi phí ghép ban đầu có thể nhiều, nhưng lâu dài ghép tạng vẫn là giải pháp kinh tế và mang lại chất lượng sống cho bệnh nhân tốt nhất. Một bệnh nhân ghép gan, với sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế, mỗi tháng chỉ phải trả khoảng 1 triệu đồng tiền thuốc.

Một nghiên cứu của bệnh viện Chợ Rẫy công bố năm qua trên tạp chí Y Học TP.HCM, so sánh chi phí điều trị của ghép thận, chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc đối với người suy thận mạn giai đoạn cuối, cho thấy ghép thận là phương pháp ít tốn kém nhất.

Cụ thể, chi phí điều trị trong một năm sẽ là 84 triệu đồng nếu ghép thận, 144 triệu đồng nếu chạy thận, và 205 triệu đồng nếu thẩm phân. Chưa kể khi thẩm phân phúc mạc bệnh nhân còn tốn chi phí vận chuyển nước thẩm phân từ bệnh viện về nhà và có người nhà đi theo, hoặc thuê nhà trọ nếu chạy thận nhân tạo. Một lợi ích khác của ghép thận là bệnh nhân có thể trở lại đời sống và sinh hoạt bình thường, góp phần lao động tạo ra của cải cho xã hội.

Dĩ nhiên, mấu chốt nhất của ghép tạng vẫn là tìm người cho tạng.Hiện nay có hai nguồn tạng hiến chính là từ người cho sống và người cho chết não.Là một nước Á Đông, nguồn hiến sau ở nước ta chưa nhiều, nhưng trong vài năm qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông, nhận thức của người dân đang thay đổi, và đây sẽ là nguồn hiến tạng chính trong tương lai.

Sau thành công của ca ghép gan đầu tiên, cuối tuần qua bệnh viện đại học Y dược TP.HCM đã thực hiện ca ghép thứ nhì, từ gan một người con gái cho cha, và dự kiến trong tháng 8 này là ca ghép khác, từ gan một người con trai cho mẹ. Ngoài ghép gan, bệnh viện cũng tiến tới ghép giác mạc, ghép thận, ghép tim… trong tương lai.

 
Nguồn: http://thegioihoinhap.vn

Các tin đã đăng