Một lần làm người bệnh

05/04/2019 17:02:00

Đêm qua, một cơn sốt rét run và cơn đau đầu buốt nhói đã đưa tôi, một bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vào nằm cấp cứu ở bệnh viện nơi mình có gần mười năm gắn bó. Thật khó để mà đi xuyên qua phòng bệnh để đến được giường bởi lúc đó toàn bộ không gian của Khoa Cấp Cứu gần như đã được nêm kín. Giường bệnh nằm san sát nhau. Bác sĩ, điều dưỡng như con thoi liên tục, thoăn thoắt chạy đi chạy lại giữa các ca bệnh. Mà đã vào cấp cứu thì tất cả các trường hợp đều có nguy cơ diễn tiến nặng bất ngờ. Vừa phải nhanh chóng giải quyết khối lượng công việc khổng lồ, vừa phải chính xác trong từng thăm khám và chẩn đoán. Nếu không có kiến thức và kinh nghiệm được mài dũa và trui rèn thì khó có thể đảm đương được công việc đầy áp lực này.
 

 Nhưng công việc của thầy thuốc ở Khoa Cấp cứu không chỉ liên quan đến chuyên môn.

 Dù đã được các đồng nghiệp ưu ái cho nằm ở một phòng riêng nhưng thực sự thì cũng không có gì ngăn cách với bên ngoài. Phòng vẫn phải trưng dụng làm nơi để dụng cụ, máy móc và là nơi gặp gỡ người nhà khi người thân mới được chuyển đến hoặc được xuất viện, hay chuyển lên trại bệnh. Nằm ở giường bệnh, tôi lắng nghe, quan sát và cảm nhận cái nhịp độ khẩn trương của công việc. Cái khẩn trương của cuộc chạy đua trong giới hạn giờ vàng, cuộc đua với điều trị hướng đích sớm và cả cuộc đua với thần chết lạnh lùng, kẻ không bao giờ xao nhãng nhiệm vụ dù chỉ là một phút.

Ngoài kia, tiếng còi xe, tiếng động cơ vẫn ồn ã. Cuộc sống vẫn như một dòng sông mùa xuân đang cuồn cuộn chảy. Không một ai muốn mình dừng lại dòng lưu chuyển đó. Không một ai muốn mình bị hất lên lề sự sống. Nhưng như ca sĩ lừng danh John Lenon từng nói “Cuộc sống là những gì xảy ra trong khi chúng ta đang chuẩn bị cho một điều khác”. Hay diễn đạt một cách khác theo tâm thức Đông phương thì cuộc sống vốn dĩ vô thường. Không ai muốn nhưng không ai chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ được đưa đến cửa phòng cấp cứu. Và cũng không ai dám chắc, ngày đó là xa hay gần, hay ngay cả lúc này. Tất cả những ước mơ, những dự định, hoài bão còn đang ở phía trước. Rồi bất chợt một người phải vào cấp cứu trong tình trạng hốt hoảng nhất, đáng ngại nhất. Người bệnh đến cấp cứu dĩ nhiên điều trước tiên là cần đến y thuật của người thầy thuốc. Nhưng bên cạnh đó, họ còn cần đến sự cảm thông, thấu hiểu. Nói một cách khác, họ cần có người để trao gửi niềm tin về sinh mạng đang lúc bị đe dọa nhất.

Cũng chính vì những mong đợi ấy mà đôi khi người bệnh, nạn nhân và người nhà rất dễ có phản ứng nếu có bất cứ điều gì mà họ thấy không vừa ý. Người bệnh nào vào cấp cứu cũng thấy mình đang bệnh nặng nhất, cần quan tâm nhất nhưng không thể nào có vài chục bác sĩ để đứng bên cạnh mỗi giường bệnh. Đó là chưa kể hiện nay, hiện tượng bào hành nhân viên y tế đang có khuynh hướng tăng tốc cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Nói không ngoa, Khoa Cấp cứu là tuyến đầu, là bộ mặt của một bệnh viện. Đây cũng là khoa có mối liên kết chặt chẽ nhất với tất cả các khoa trong bệnh viện.

Một người bệnh may mắn được xuất viện. Người nhà đã đưa cụ ra xe về trước, chỉ còn người con gái ở lại để làm thủ tục và nhận thuốc. Vì bàn phát thuốc và dặn dò người bệnh nằm trong phòng bệnh tôi đang nằm nên có thể nghe rõ rệt nội dung câu chuyện. Cũng chỉ là công việc thường nhật của các điều dưỡng, tôi nghĩ vậy. Nhưng ở đây, giữa những lao xao, âu lo, ngược xuôi, cô điều dưỡng vẫn rất nhỏ nhẹ, từ tốn và rành rọt hướng dẫn cách dùng thuốc, cách phòng bệnh cho người nhà. Tôi muốn nhỏm dậy để nhìn mặt cô điều dưỡng ấy nhưng rồi lại thôi. Đơn giản, tôi chỉ cần gọi tên cô ấy là cô điều dưỡng Khoa Cấp cứu và rộng hơn là cô Điều dưỡng UMC. Y Thuật, Y Đức không phải chỉ nằm ở những cuộc phẫu thuật, những cuộc can thiệp khó khăn và ngoạn mục mà Y Thuật, Y Đức còn biểu hiện sinh động nhất trong từng ánh mắt, trong câu hỏi thăm, trong những lời dặn dò ân cần đó. Trong giờ phút đó, tôi tự dưng thấy mình quá may mắn đã được làm việc trong một môi trường nhân văn như vậy. Và dĩ nhiên, tôi không thể không khỏi tự hào về bệnh viện, về những đồng nghiệp thân yêu của mình.

May mắn, căn bệnh của tôi cũng không đến nỗi quá nghiêm trọng nên các đồng nghiệp quyết định cho tôi xuất viện. Về đến nhà, nhìn sang bệnh viện, tôi không thể thấy gì rõ ngoài các ô cửa sáng đèn. Tuy không thấy gì nhưng tôi vẫn biết Khoa Cấp cứu vẫn đang hối hả xuyên đêm. Tuy không thấy gì nhưng tôi vẫn cảm nhận một cách rõ rệt nhất rằng bên trong tòa nhà thân thương ấy là cả một bộ máy vận hành nhịp nhàng và khẩn trương bất kể thời gian, bất kể khó khăn thử thách để trả lại sức khỏe quý báu cho người bệnh, đưa họ trở lại với cuộc sống bình yên, với những dự định, hoài bão, khát vọng sống mà họ đành phải dừng lại khi cơn bệnh bất ngờ ập đến.

 
 
            PGS TS BS. Lê Minh Khôi – Trưởng Đơn vị Hình ảnh tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
 

Các tin đã đăng