4 xét nghiệm để nhận biết nguyên nhân dị ứng

13/04/2019 10:37:00

Xét nghiệm lẩy da, áp da, huyết thanh tự thân, thử thách thuốc giúp người bệnh tìm ra nguyên nhân gây viêm da cơ địa, dị ứng thức ăn... 

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy - Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1 (TP HCM) cho biết, hiện nay số người mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa (chàm thể trạng), dị ứng thức ăn,  thuốc tăng lên. Bên cạnh đó, người mắc lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa khớp dạng thấp, xơ cứng bì... cũng gia tăng đáng kể. Các bệnh lý xảy ra khi hệ miễn dịch gặp sự cố, vì thế có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau.

Các bệnh lý dị ứng - miễn dịch nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như kém tập trung, làm giảm năng suất làm việc, học tập, chất lượng giấc ngủ, thậm chí có thể gây trầm cảm. Ngoài ra, cơ quan dị ứng có thể xuất hiện biến chứng không hồi phục, ví dụ như tắc nghẽn đường dẫn khí cố định, da tăng sắc tố, dày sừng, bong vảy, cứng khớp, dính khớp, có thể gây tàn tật.

Với các trường hợp dị ứng thức ăn, thuốc nếu không được chẩn đoán tìm nguyên nhân gây nên có thể dẫn đến các phản ứng dị ứng nặng, thậm chí là tử vong. Dưới đây là một số xét nghiệm (test) giúp nhận biết bệnh. 

 

Xét nghiệm lẩy dasẽ đưa một loại dị ứng nghi ngờ vào lớp thượng bì để xác định tình trạng quá mẫn với loại dị nguyên. 

Test lẩy da 

Xét nghiệm đưa một loại dị ứng nghi ngờ vào lớp thượng bì để xác định tình trạng quá mẫn tức thì với loại dị nguyên, giúp bác sĩ chẩn đoán tác nhân gây dị ứng với bệnh lý: hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa (chàm), dị ứng thức ăn, thuốc. Điều cần lưu ý trước khi làm test lẩy da là bệnh nhân phải ngưng sử dụng thuốc kháng histamine ít nhất là 5 ngày trước khi tiến hành. 

Test áp da 

Xét nghiệm áp một loại dị ứng nguyên trên bề mặt da, cố định tại đó trong khoảng thời gian ít nhất là 48 giờ, để xác định tình trạng quá mẫn muộn đối với loại dị ứng nguyên đó. Xét nghiệm này thường dùng để xác định tác nhân gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc do hóa chất, kim loại, hoặc các loại thuốc gây phản ứng quá mẫn muộn. 

Test huyết thanh tự thân 

Phương pháp này dùng chính huyết thanh của người bệnh để tiêm trong da của chính người bệnh đó. Mục đích là để gợi ý nguyên nhân của bệnh lý mày đay mạn tính tự phát, là các trường hợp nổi mề đay kéo dài trên 6 tuần mà không tìm được nguyên nhân bằng các xét nghiệm thường quy cho bệnh lý mề đay. Trước khi làm xét nghiệm ASST, bệnh nhân cũng phải ngưng sử dụng thuốc kháng histamine ít nhất là 5 ngày. 

 

Xét nghiệm lẩy da, áp da, huyết thanh tự thân, thử thách thuốc giúp người bệnh tìm ra nguyên nhân gây dị ứng.

Test thử thách thuốc 

Xét nghiệm bằng cách đưa thuốc với liều kiểm soát (từ thấp đến cao) vào cơ thể bệnh nhân bằng đường dùng thuốc tự nhiên. Phương pháp này giúp loại trừ trường hợp dị ứng thuốc không rõ ràng, khẳng định sự an toàn của một số loại thuốc mà bệnh nhân lo lắng khi dùng, loại trừ các phản ứng chéo giữa các loại thuốc cùng nhóm, xác định tình trạng dị ứng thuốc khi các phương pháp khác âm tính hoặc không làm được.

 

Xét nghiệm thử thách thuốc bằng cách đưa thuốc với liều kiểm soát (từ thấp đến cao) vào cơ thể bệnh nhân. 

Bệnh lý dị ứng không dễ dàng để chẩn đoán được nguyên nhân. Khi đến khám dị ứng, người bệnh nên mang theo các loại thuốc, thức ăn, hoặc các tác nhân nghi ngờ gây dị ứng để phục vụ cho quá trình chẩn đoán.

Các bác sĩ tại phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1, số 20-22 Dương Quang Trung, phường 12, quận 10, TP HCM, luôn dành thời gian để tìm hiểu, tư vấn cho người bệnh, từ đó lựa chọn phương pháp xét nghiệm phù hợp, theo dõi chặt chẽ để giúp việc điều trị hiệu quả.  

 
Nguồn: https://vnexpress.net/

Các tin đã đăng