Hội Chứng Kẹt Thần Kinh Trên Bả Vai

21/08/2019 09:55:00

Bệnh nhân nam tuổi dưới 40 đến khám vì đau âm ỉ vùng vai đã hơn một năm. Bệnh nhân làm nghề leo dừa nhưng dạo gần đây phải nghỉ leo vì cảm thấy tay yếu hẳn đi. Các hoạt động khác của vai đều bình thường. Bệnh nhân đã đi nhiều nơi nhưng thuốc thang đều không giảm. Khi khám chúng tôi phát hiện bệnh nhân có teo cơ dưới gai. Trên phim MRI thấy có hình ảnh rách sụn viền trên của khớp vai và có nang hoạt dịch nằm ở vùng khuyết gai-ổ chảo của vai, quen gọi là khuyết vai, gây chèn ép thần kinh trên bả vai. Bệnh nhân đã được phẫu thuật khâu lại sụn viền trong khớp vai qua nội soi khớp vai và mổ lấy nang hoạt dịch, giải phóng thần kinh trên bả vai. Một năm sau tái khám, bệnh nhân đã có thể trở lại công việc leo dừa như xưa.
 

 Các cơ vùng bả vai


Thần kinh trên bả vai xuất phát từ đâu?
Thần kinh trên bả vai xuất phát từ đám rối cánh tay bao gồm các nhánh C5 và C6 (cổ 5 và cổ 6), một số trường hợp có thêm nhánh cổ 4. Đây là thần kinh hỗn hợp bao gồm cả cảm giác và vận động. Về vận động, thần kinh này chi phối cho các cơ trên gai và dưới gai là hai trong số 4 cơ chóp xoay có nhiệm vụ xoay cánh tay, đặc biệt là các động tác giang tay lên quá đầu. Về cảm giác, thần kinh này chi phối cảm giác cho mặt sau khớp vai, khớp cùng-đòn, khoang dưới mỏm cùng vai, xương bả vai.
 


Nang hoạt dịch chèn ép thần kinh trên vai ở khuyết vai
 

Thần kinh trên bả vai bị chèn ép ở đâu và ai hay bị?
Thần kinh trên bả vai hay bị chèn ép ở vùng dây chằng bả vai ngang trên và vùng khuyết gai-ổ chảo.
Những người hay bị chèn ép thần kinh trên bả vai là những người hay mang ba-lô nặng và kéo dài. Những người chơi môn nhào lộn trên tấm bạt lò xo căng trên khung (trampoline) dễ bị chấn thương trực tiếp vào thần kinh trên vai. Hoặc chấn thương trực tiếp do banh đập vào vùng vai. Trong môn bóng chày thì người bắt banh hay bị hội chứng này. Những người làm việc với giơ tay lên quá đầu như leo trèo (ví dụ leo dừa), những người chơi các môn leo núi, tennis, cầu lông… hay bị rách sụn viền trên vai và gây thoát dịch khớp qua lỗ rách tạo thành nang hoạt dịch ở vùng khuyết vai. Nang dịch này lớn dần gây chèn ép thần kinh vùng khuyết vai.

 


Vùng khớp vai nhìn từ phía trước


Vùng xương bả vai nhìn từ phía sau


Triệu chứng chèn ép thần kinh trên bả vai như thế nào?
Bệnh nhân có cơn đau âm ỉ trong sâu lan từ đỉnh xương bả vai đến vùng vai cùng bên. Đôi khi bệnh nhân có thể chỉ điểm đau ở khuyết vai. Khi khám bệnh thầy thuốc cho bệnh nhân bắt chéo tay qua ngực sẽ gây đau vùng bị chèn ép. Tình trạng chèn ép thần kinh lâu ngày sẽ làm teo cơ trên gai và hoặc cơ dưới gai tùy theo vị trí chèn ép thần kinh. Nếu thần kinh bị chèn ép ở vùng dây chằng bả vai ngang trên sẽ gây teo cơ trên gai và cơ dưới gai. Nếu thần kinh bị chèn ép vùng khuyết vai sẽ gây teo cơ dưới gai.
Bệnh nhân sẽ yếu tay ở tư thế dạng và xoay ngoài của vai. Khi bệnh nhân bắt chéo tay qua lồng ngực và cổ tay đi ngược hướng với vai bị đau sẽ làm cơn đau xuất hiện rõ hơn.
 
Chẩn đoán xác định
Cần cho bệnh nhân đi đo điện cơ và chụp MRI để xác định nguyên nhân và vị trí bị chèn ép.
 
Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt với một hội chứng thường gặp tại vùng này là hội chứng hạn chế vận động xương bả vai. Xương bả vai là nơi bám của cơ dưới vai và cơ răng cưa trước, các cơ này cùng với bao hoạt dịch của khớp vai làm cho hoạt động của vai được mềm mại. Khi cơ bị teo yếu hay mất hoạt động, xương bả vai có thể cọ xát vào các xương sườn khi vận động gây đau và tiếng kêu đặc biệt, tiếng nghiền và lách cách đau. Hạn chế vận động của xương bả vai còn do nhiều nguyên nhân khác như: viêm bao hoạt dịch, u xương-sụn, gãy xương sườn hay xương bả vai, trật bán phần gân cơ nhị đầu, rách sụn viền chung quanh ổ chảo xương bả vai…

 

 
Điều trị như thế nào?
Khi bị chấn thương cấp tính bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau, tập vật lý trị liệu.
Phẫu thuật được chỉ định khi thần kinh bị chèn ép và không đáp ứng với điều trị nội khoa. Phẫu thuật có thể cắt dây chằng bả vai ngang trên hoặc khâu lại sụn viền trên của khớp vai qua nội soi, sau đó lấy bỏ nang hoạt dịch chèn ép thần kinh.
Việc phẫu thuật giúp bệnh nhân giảm đau, ngăn ngừa teo cơ, giúp hồi phục sức cơ. Một số trường hợp cơ teo có thể hồi phục một phần.
 

TS BS Tăng Hà Nam Anh

Các tin đã đăng