[ Góc Hỏi – Đáp ] RỐI LOẠN MỠ MÁU

25/08/2019 21:34:00

HỎI
Tôi nghe nói mỡ trong máu không thể trị dứt bệnh được phải không? Nếu vậy thì tại sao? Ta phải điều trị ra sao? Phải có chế độ ăn uống như thế nào trong các trường hợp này. Xin bác sĩ vui lòng giải đáp, chân thành cảm ơn
Bạn đọc Đ.L
 
ĐÁP
Rối loạn mỡ máu là một bệnh chuyển hóa trong đó thành phần mỡ trong máu tăng bất thường gây ảnh hưởng không tốt cho cơ thể. Tăng mỡ máu có thể là một bệnh di truyền nhưng cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh như: đái tháo đường, béo phì, suy giáp, hội chứng thận hư…
 
Ngoài ra tăng mỡ máu còn chịu ảnh hưởng của tác động môi trường như cuộc sống công nghiệp hóa, ít vận động, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, giàu năng lượng, nghiện rượu hoặc do một số thuốc… Tăng mỡ máu có khi chỉ tăng đơn thuần cholesterol hoặc tăng triglyceride, có khi tăng cả hai thành phần trên.
 
Nếu bạn bị mắc một trong các bệnh kể trên mà trong đó tăng lipid máu chỉ là một biểu hiện bệnh thì sau khi điều trị ổn các bệnh này, lipid máu có thể trở về bình thường. Đối với người bị rối loạn chuyển hóa lipid nguyên phát (không có nguyên nhân), việc điều trị trước tiên là áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như thay đổi chế độ ăn, tăng cường vận động thể lực. Những trường hợp nhẹ chỉ cần các biện pháp nêu trên đã đủ để ổn định mỡ máu.
Đối với trường hợp tăng mỡ máu nặng hơn, không kiểm soát được bằng các biện pháp không dùng thuốc, bác sĩ sẽ cho bạn thêm các thuốc hạ mỡ máu. Thông thường, thuốc hạ mỡ máu sẽ được dùng trong 06-12 tháng. Sau đó, nếu mỡ máu trở về mức bình thường bạn sẽ được giảm liều hoặc ngưng thuốc, trong khi vẫn tiếp tục ăn kiêng và tập thể dục. Mỡ máu sẽ được kiểm tra mỗi 03-06 tháng. Nếu mỡ máu tăng lại dù bạn đã ăn kiêng và vận động đúng cách thì bạn sẽ được dùng lại thuốc hạ mỡ máu lâu dài hơn. Trong trường hợp này có lẽ bạn bị rối loạn di truyền về chuyển hóa lipid.
 
Chế độ ăn của người có tăng mỡ máu
+ Giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày (<30% tổng năng lượng hàng ngày).
+ Không nên ăn nhiều thức ăn chiên, nên ăn thức ăn luộc, nấu.
+ Không ăn thịt mỡ, thịt bò, da thịt gà quá nhiều, hạn chế thức ăn chế biến sẵn.
+ Thường xuyên ăn cá (nhưng tránh tôm, cua) thay thế thịt heo, bò…
+ Sử dụng dầu thực vật (trừ dầu dừa) thay cho mỡ động vật, ăn nhiều rau xanh, trái cây có chất xơ.
+ Đối với người tăng triglyceride thì hạn chế ăn nhiều thức ăn ngọt và không uống rượu bia.
 
PGS TS BS. Trương Quang Bình
Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

 

Các tin đã đăng