Bệnh dãn phế quản mạn tính

19/12/2019 08:14:00

Bệnh dãn phế quản mạn tính là sự phá hủy hoặc suy yếu các cấu trúc của thành phế quản. Các tổn thương của bệnh dãn phế quản mạn tính là tổn thương không hồi phục, để phân biệt với tình trạng dãn phế quản cấp tính tạm thời có hồi phục trong một số bệnh cảnh viêm nhiễm cấp tính như nhiễm siêu vi, viêm tiểu phế quản…



Nguyên nhân gây ra dãn phế quản
  1. Các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp kéo dài    
Tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp kéo dài và tái đi tái lại, không được điều trị tốt như viêm phế quản bội nhiễm, viêm hô hấp trên tái phát, ho gà, viêm phổi… lâu ngày sẽ phá hủy các cấu trúc của phế quản, gây ra tình trạng ứ đọng và tắc nghẽn mạn tính các chất nhày và đàm mủ, dẫn đến bệnh dãn phế quản mạn tính.    
  1. Lao phổi     
Di chứng dãn phế quản sau khi mắc bệnh lao phổi thường thấy ở những trường hợp điều trị không hiệu quả, kéo dài, lao tái phát. Dãn phế quản di chứng lao thường hay diễn tiến biến chứng ho ra máu lượng nhiều, nguy hiểm đến tính mạng.
  1. Chít hẹp, chèn ép đường dẫn khí
Các dị vật phế quản do hít sặc hay do mảnh đạn từ ngoài, bị bỏ qua không điều trị, hoặc các bệnh lý hạch quanh phế quản như lao hạch, lymphom… gây ra tình trạng ứ đọng và chít hẹp phế quản, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm tại chỗ, lâu ngày sẽ làm phá hủy cấu trúc thành phế quản gây dãn phế quản.
  1. Hóa chất – Thuốc lá
Một số nghề nghiệp phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất dễ bay hơi sẽ dễ mắc bệnh dãn phế quản. Các hóa chất này có thể làm viêm nhiễm, hủy hoại cấu trúc phế quản, đồng thời gây ra ho khạc kéo dài, tăng áp lực đường thở thường xuyên, dẫn tới tình trạng dãn phế quản không hồi phục. Thuốc lá gây ra tình trạng ho mạn tính, phá hủy cấu trúc đường thở, làm tê liệt các lông chuyển trên niêm mạc đường hô hấp, gây ra viêm nhiễm và ứ đọng lâu ngày, cũng là một yếu tố thuận lợi thúc đẩy và làm lan tỏa và trầm trọng thêm tình trạng dãn phế quản mạn tính. 
  1. Bẩm sinh
Dãn phế quản bẩm sinh thường được phát hiện ở trẻ nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% các trường hợp dãn phế quản, thường có liên quan và kèm theo các bất thường bẩm sinh khác.

Triệu chứng lâm sàng – chẩn đoán dãn phế quản mạn tính
Biểu hiện thường gặp nhất của dãn phế quản mạn tính là
  • Ho và khạc đàm kéo dài. Người mắc bệnh dãn phế quản thường hay ho khạc húng hắng, khạc nhiều đàm, kéo dài từ ngày sang ngày khác. Tính chất đàm khạc thường nhày đục, để lâu có lắng đọng thành lớp.
  • Tình trạng ho khạc đàm này thường rõ rệt và nặng thêm khi thời tiết thay đổi, hoặc có bội nhiễm kèm theo. Trong các đợt bội nhiễm và ứ đọng đàm nhớt nhiều hơn, đàm sẽ trở nên vàng đục hoặc vàng xanh, số lượng nhiều hơn.
  • Nóng sốt, mệt mỏi, uể oải
  • Chán ăn
  • Khó thở nặng ngực…
Các đợt bội nhiễm và ứ đọng này thường hay tái đi tái lại nhiều lần trong năm, điều trị kéo dài và khó khăn hơn so với các tình trạng nhiễm trùng hô hấp thông thường khác. 

Một số biểu hiện của tình trạng thiếu oxy mạn tính như dấu hiệu ngón tay dùi trống, móng tay hình mặt kính đồng hồ, tím môi tím đầu móng… có thể gặp ở những trường hợp dãn phế quản lâu ngày có ảnh hưởng lên chức năng hô hấp và tim mạch.

Các xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán dãn phế quản là X-quang phổi quy ước, CT-scan ngực, chụp phế quản cản quang (ít làm), đo chức năng hô hấp, nội soi phế quản…

Diễn tiến - biến chứng của dãn phế quản mạn tính
  1. Viêm phổi – áp xe phổi
Các đợt bội nhiễm có thể tiến triển nặng hơn, nhất là ở các cơ địa tuổi cao già yếu, tiểu đường, Cushing... trở thành viêm phổi, gây hoại tử nhu mô và tạo áp xe (ổ mủ trong phổi), gây ra suy hô hấp cấp, nhiễm trùng huyết… là những tình trạng nặng có thể dẫn tới tử vong. Áp xe phổi có thể vỡ vào màng phổi gây ra tràn mủ màng phổi, dò phế quản màng phổi…
  1. Ho ra máu
Dãn phế quản là nguyên nhân gây ra ho ra máu hàng đầu. Khác với ho ra máu do ung thư (máu lượng ít, dính đàm, như kiểu rỉ sét, kín đáo thoáng qua), ho ra máu do dãn phế quản có thể tiến triển thành từng đợt, với số lượng ít, máu đỏ tươi hòa loãng với đàm và dịch tiết, vài chục ml mỗi lần, và kéo dài 1 - 2 tuần, tái đi tái lại; nhưng cũng có thể diễn tiến đột ngột với lượng lớn, gọi là ho ra máu sét đánh, máu tràn ngập đường thở gây ra suy hô hấp và tử vong nhanh chóng. 
  1. Khí phế thũng và bệnh bóng khí phổi
Dãn phế quản và viêm nhiễm lâu ngày có thể dẫn tới tình trạng ứ khí và suy hô hấp mạn tính, làm phá hủy cấu trúc các phế nang, hay gọi là khí phế thũng. Các phế nang bị căng dãn lan tỏa tạo nên các bóng khí, trong đó không có sự trao đổi oxy xảy ra, làm rối loạn cân bằng thông khí tưới máu tại phổi, chèn ép các vùng phổi lành lân cận, hoặc vỡ các bóng khí gây tràn khí màng phổi, có thể dẫn tới suy hô hấp cấp và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
  1. Suy hô hấp – Tâm phế mạn
Tim và phổi là “hai anh em ruột”. Dãn phế quản và suy hô hấp lâu ngày, thay đổi cấu trúc mạch máu tại phổi, sẽ dẫn tới hậu quả là suy giảm chức năng của tim phải, làm người bệnh khó thở thường xuyên, mất khả năng gắng sức, phù chân, gan to, xơ gan… là những biểu hiện mà y học gọi là Tâm phế mạn (suy tim do bệnh phổi mạn tính) 

Điều trị dãn phế quản – khi nao cần phải diều trị dãn phế quản bằng phẫu thuật 
Điều trị dãn phế quản đa phần là điều trị bảo tồn nội khoa. Người bệnh thường được hướng dẫn tập ho khạc, dẫn lưu đàm nhớt theo tư thế, tập hít thở, vật lý trị liệu hô hấp. Các thuốc thường được chỉ định như thuốc loãng đàm, thuốc tránh co thắt phế quản, kháng sinh khi có bội nhiễm, thuốc cầm máu khi có ho ra máu, thuốc giảm ho và chống dị ứng…

Các tình huống thường được chỉ định phẫu thuật là dãn phế quản khu trú, dãn phế quản đáp ứng kém với điều trị nội khoa, tái phát nhiều lần dai dẳng, ho ra máu dai dẳng hoặc ho ra máu lượng nhiều, có biến chứng áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, bóng khí phổi gây chèn ép, tràn khí màng phổi, hội chứng thùy giữa…

Dãn phế quản có ho ra máu lượng nhiều, trong tình huống cấp cứu hoặc một số trường hợp nặng không thể phẫu thuật, có thể áp dụng biện pháp chụp và làm thuyên tắc động mạch phế quản một lần hoặc nhiều lần, để cầm máu tạm thời.

Đối với các trường hợp dãn phế quản do dị vật, cần phải được lấy bỏ dị vật qua nội soi phế quản, hoặc nếu khó khăn phải bằng phẫu thuật.

Phòng ngừa  
Dãn phế quản là bệnh lý mạn tính tiến triển lâu dài, có thể dẫn tới biến chứng nặng và nguy hiểm tính mạng. Để phòng tránh, phải điều trị tốt và dứt điểm các viêm nhiễm đường hô hấp, tránh để kéo dài. Phải điều trị lao thật tốt, đúng đủ theo phác đồ tránh để tái phát tái nhiễm hoặc kháng thuốc. Phải chích ngừa một số các bệnh nhiễm trùng hô hấp thường gặp như lao, cúm, ho gà.
Các dị vật đường thở phải được phát hiện và lấy bỏ sớm trước khi ảnh hưởng đến cấu trúc phế quản. Nên tập hít thở thường xuyên, không hút thuốc lá và tránh các điều kiện ô nhiễm không khí khói bụi hay các hóa chất bay hơi độc hại.

ThS BS. Lê Phi Long – Khoa Lồng ngực Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

 

Các tin đã đăng