Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim

24/04/2020 15:34:00

I. KHÁI NIỆM
Suy tim là tình trạng tim không bơm đủ máu cho nhu cầu của cơ thể, thường là do cơ tim bị tổn thương. Cụm từ suy tim mạn thường được dùng để mô tả tình trạng suy tim đã kéo dài.

II. ẢNH HƯỞNG VỀ MẶT DINH DƯỠNG Ở NGƯỜI BỆNH SUY TIM
- Suy mòn trong suy tim: là tình trạng sụt cân > 6% trọng lượng cơ thể trước đó trong vòng 6 tháng, dựa vào cân nặng lúc không phù.
- Suy mòn trong suy tim chiếm tỉ lệ 10-16%.
- Suy mòn trong suy tim ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống làm bệnh nhân dễ mệt mỏi, chán ăn, suy dinh dưỡng hậu quả tăng tỉ lệ tử vong.
- Tình trạng suy dinh dưỡng ở bệnh nhân suy tim có thể đảo ngược nếu được theo dõi và đánh giá tình trạng dinh dưỡng chặt chẽ, để phát hiện sớm suy dinh dưỡng và có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

III. NHU CẦU DINH DƯỠNG
- Nhu cầu năng lượng: ước tính là 25-35 kcal/kg/ngày để duy trì cân nặng lý tưởng với BMI 20,5 - < 25 kg/m2.
- Thường xuyên theo dõi cân nặng để phát hiện sớm phù, sụt cân, tăng cân để khám bác sĩ, điều chỉnh chế độ ăn hợp lý.

Nếu bị thừa cân béo phì (BMI ≥ 25) cần:
+ Ăn tăng cường rau xanh (300-400g/ngày), trái cây trong khẩu phần (200-300g/ngày), phối hợp với các loại ngũ cốc nguyên hạt (bắp, gạo lứt, bánh mì đen, yến mạch,…)
+ Sử dụng thịt nạt, thịt da cầm bỏ da, dùng cá thay thịt ít nhất 3 lần trong tuần đặc biệt là cá béo (basa, cá thu, cá hồi,...) hoặc có thể uống bổ sung viên dầu cá omega 3
+ Sử dụng các loại sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo
+ Hạn chế những loại thực phẩm nhiều đường, bánh kẹo, nước ngọt, …
+ Hạn chế tinh bột tinh chế (gạo trắng, bánh mì, bánh ngọt, bún phở, …)
+ Hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol: hạn chế bơ, mỡ, shortening, sữa nguyên kem. Hạn chế những loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng, óc, lòng, tim, gan, phủ tạng.

Ở những người bệnh suy dinh dưỡng để tăng cân:
+ Ăn thêm nhiều bữa nhỏ trong ngày
+ Luôn bổ sung đạm trong các bữa ăn
+ Ưu tiên thực phẩm giàu năng lượng, đạm như thịt, cá, sữa, quả bơ, các loại đậu hạt, dầu thực vật.

Nhu cầu đạm:
- Nếu bệnh nhân suy dinh dưỡng: 1,37 g/kg/ngày
- Nếu bệnh nhân có cân nặng bình thường: 1,12 g/kg/ngày
- Phối hợp đạm động vật: thịt nạt, cá, trứng, sữa tách béo và đạm thực vật: đậu hủ, các loại đậu hạt, …

IV. HẠN CHẾ MUỐI – NƯỚC
- Nhu cầu muối: không vượt quá 2,4g natri/ngày (< 6g muối/ngày), nên < 2 g natri/ngày (<5g muối/ngày). Chế độ ăn giảm muối cải thiện chất lượng cuộc sống và các triệu chứng lâm sàng như phù, mệt mỏi. Suy tim nặng có thể giảm muối hơn nữa tuy nhiên không khuyến khích chế độ ăn giảm muối < 1 g natri/ngày do làm tăng nguy cơ thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng.
- Hạn chế nước: nước 1,4 - < 2 lít/ ngày. Nước uống bao gồm trái cây, nước trái cây, nước súp, nước canh, sữa, …

Làm thế nào để kiểm soát lượng nước uống:
- Đo lượng nước lọc uống trong ngày bằng các loại dụng cụ như ly, dụng cụ có thể tích
- Định lượng nước được uống trong ngày theo mức giới hạn của từng bệnh nhân (sau khi trừ nước từ sữa, nước canh, nước súp, nước trái cây, rau củ, trái cây)
- Giảm muối trong chế độ ăn để tránh khát.

V. HOẠT ĐỘNG THỂ LỰC
- Khám Bác sĩ trước khi tập thể dục để đánh giá tình trạng suy tim từ đó có một chương trình tập thích hợp, chú ý những triệu chứng chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh hoặc mệt mỏi quá mức trong khi tập.
- Không tập thể dục ngay sau bữa ăn chính.
- Tránh nhiệt độ quá nóng khi tập thể dục.
- Không tập thể dục nếu cảm thấy quá mệt mỏi.
- Nên chọn những bài tập hiếu khí (duy trì thể lực) như đi bộ nhanh, khiêu vũ, chạy bộ, đạp xe, tập yoga,…

Khi tập nên:
- Mặc quần áo thoải mái và mang giày đế mềm hoặc giày thể thao.
- Nên bắt đầu tập từ từ, tăng dần cường độ và thời gian tập cho đến khi đạt mục tiêu hoạt động thể lực mức độ trung bình 30 phút /ngày tối thiểu 5 ngày trong tuần
- Nếu không thể tập thể dục trong 30 phút liên tục, hãy thử tập hai lần trong ngày mỗi lần khoảng 15 phút
- Nên tập thể dục cùng một thời điểm trong ngày để nó trở thành một thói quen thường xuyên của mình
- Nên tập thể dục với một người bạn.
- Nếu đang tập cảm thấy đau ngực, khó thở, chóng mặt, phải dừng tập ngay lập tức.

VI. KIỂM TRA CÂN NẶNG
- Cân mỗi ngày tại cùng một thời điểm
- Ghi chú lại cân nặng
- Tăng cân nhanh có thể do quá tải dịch, nên đi khám nếu tăng trên 1,5 kg

Nên cân vào buổi sáng khi:
- Vừa thức dậy
- Sau khi đi vệ sinh

VII. KẾT LUẬN
- Theo dõi cân nặng thường xuyên
- Chế độ ăn đủ nhu cầu năng lượng, đạm -> DUY TRÌ CÂN NẶNG HỢP LÝ
- Hạn chế muối trong chế độ ăn
- Khuyến khích hoạt động thể lực
 
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

 

Các tin đã đăng