Thai ngoài tử cung

09/05/2020 09:13:00

THAI NGOÀI TỬ CUNG LÀ GÌ?
Thai ngoài tử cung (TNTC) là trường hợp mà trứng đã thụ tinh được cấy và làm tổ ở ngoài vị trí bình thường là buồng nội mạc tử cung, thường gặp nhất là trong ống dẫn trứng, bởi vậy cũng thường được gọi là thai trong ống dẫn trứng (hay vòi Fallope). Tuy vậy, TNTC có thể gặp ở các vị trí khác như: buồng trứng, cổ tử cung, và ổ bụng. TNTC gặp ở tỷ lệ khoảng 1% - 2% tất cả các trường hợp mang thai.

Đa số các trường hợp TNTC không thể phát triển bình thường bên ngoài tử cung và kết quả thông thường là phôi hay thai nhi bị chết hoặc gây ra nguy cơ lớn nhất của TNTC là chảy máu trong ở nhiều mức độ khác nhau cho người mang thai. Trước thế kỷ 19, tỷ lệ tử vong của TNTC vượt quá 50%. Đến cuối thế kỷ 19, tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 5% nhờ can thiệp phẫu thuật. Các thống kê cho thấy với các tiến bộ hiện nay trong phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong được giảm xuống dưới 5/10.000. Tỷ lệ tử vong của TNTC được cải thiện dù cho tỷ lệ mắc TNTC cũng gia tăng. TNTC vẫn là nguyên nhân hàng đầu của tử vong có liên quan đến thai nghén trong 3 tháng đầu.

BA DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG KINH ĐIỂN CỦA THAI NGOÀI TỬ CUNG
  • Đau bụng
  • Không có các kỳ kinh nguyệt (amenorrhea)
  • Chảy máu âm đạo hoặc chảy máu từng lúc, không liên tục (spotting). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% phụ nữ là có đầy đủ tam chứng nói trên.

CÁC DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG KHÁC CỦA THAI NGOÀI TỬ CUNG
Người phụ nữ có thể không biết là mình có thai. Các dấu hiệu điển hình này gặp trong TNTC vỡ (kèm theo chảy máu trong ở nhiều mức độ khác nhau) hoặc TNTC không vỡ. Các dấu hiệu và triệu chứng của TNTC điển hình gặp 6 - 8 tuần sau kỳ kinh nguyệt bình thường cuối cùng nhưng chúng có thể gặp muộn hơn nếu TNTC không nằm trong vòi Fallope, có thể muộn đến tuần thứ 14. Các triệu chứng khác của mang thai (ví dụ, buồn nôn, căng khó chịu ở vú...) cũng có thể gặp ở TNTC.


Mệt mỏi, chóng mặt và cảm giác muốn ngất là các dấu hiệu của chảy máu trong nghiêm trọng và huyết áp thấp do TNTC bị vỡ, cần được chú ý chăm sóc y tế ngay lập tức. Không may là, một số nhỏ phụ nữ bị TNTC chảy máu không nhận biết là họ có các triệu chứng của TNTC. Chẩn đoán bị muộn cho đến khi người phụ nữ bị sốc (ví dụ huyết áp thấp, yếu mệt, mạch nhanh, da tái và lẫn lộn) và thường được đưa đến khoa cấp cứu. Tình trạng này là một cấp cứu y khoa thực sự.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA THAI NGOẢI TỬ CUNG
  1. Tuổi. TNTC có thể gặp ở mọi phụ nữ, mọi lứa tuổi, những người từng rụng trứng và có quan hệ với đàn ông. Hay gặp nhất ở nữ giới tuổi 35-44.
  2. Bệnh sử. Yếu tố rủi ro lớn nhất là cho người trước đó đã từng bị TNTC.
  3. Vòi Fallope bẩm sinh hay bị hư hại về cấu trúc do một phẫu thuật phụ khoa trước đó, ví dụ như mổ triệt sản vòi (tubal sterilization) hay đã mổ khôi phục lại (tubal reconstruction).
  4. Các nhiễm trùng, ví dụ viêm nhiễm tiểu khung gây ra bởi các vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục như vi khuẩn Chlamydia tracho- matis, vi khuẩn lậu Neisseria gonor- rhoeae... Nhiễm trùng có thể gây ra TNTC do làm tổn thương hay làm tắc các vòi Fallope. Ngoài ra, mặt trong các ống dẫn trứng được lót bởi niêm mạc có những lông nhỏ gọi là các cilia, các lông này quan trọng trong việc chuyển trứng từ buồng trứng qua vòi Fallope về đến tử cung; khi các lông này bị tổn thương do nhiễm trùng sẽ cản trở việc chuyên chở trứng, trứng thụ tinh có thể nằm lại vòi gây thai lạc chỗ.
  5. Nhiều bạn tình. Làm tăng nguy cơ nhễm trùng tiểu khung với tăng nguy cơ thai lạc chỗ.
  6. Các bệnh phụ khoa. Ví dụ viêm nội mạc tử cung (endometriosis), các u xơ (fibroid tumors) hay mô sẹo tiểu khung (các dính chặt tiểu khung) có thể làm hẹp các vòi và cản trở việc di chuyển trứng, do đó làm tăng nguy cơ thai lạc chỗ.
  7. Sử dụng các dụng cụ đặt trong tử cung (intrauterine devices - IUD). Khoảng một nửa số ca mang thai có sử dụng dụng cụ bị tụt ra ngoài tử cung. Tuy vậy, tổng số phụ nữ có thai khi sử dụng dụng cụ là vô cùng thấp. Do đó, tổng số ca thai lạc chỗ liên quan đến dụng cụ là rất thấp.
  8. Hút thuốc. Hút thuốc quanh thời gian thụ thai cũng làm tăng nguy cơ thai lạc chỗ, nhất là cho những phụ nữ nghiện hút và hút nhiều.
  9. Vô sinh. Lịch sử vô sinh lớn hơn hoặc bằng 2 năm cũng liên quan đến tăng nguy cơ thai lạc chỗ.

CÁC NGHIỆM PHÁP GIÚP CHẨN ĐOÁN THAI NGOÀI TỬ CUNG
Bước đầu của chẩn đoán là hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ. Bước thứ hai thường là chẩn đoán định tính (có thai hay không) hoặc định lượng (đo các hàm lượng hoóc môn – nghiệm pháp thai). Đôi khi bác sĩ có thể khám thấy một khối u đau khi thăm tiểu khung. Khi nghi ngờ thai lạc chỗ, phối hợp làm các nghiệm pháp thai và siêu âm tiểu khung thường có thể giúp cho chẩn đoán. Siêu âm qua âm đạo đặc biệt có ích, có thể thấy được túi thai (gestational sac) cùng với phôi thai (embryo) lạc chỗ và loại trừ được mang thai trong tử cung.


Các nghiệm pháp thai được chỉ định để phát hiện các hoóc môn đặc hiệu; beta HCG (beta subunit of human chorionic gonadotrophin) trong máu cũng dùng cho chẩn đoán thai lạc chỗ, thường tăng khi có thai và có thể là đầu mối cho chẩn đoán thai lạc chỗ. Trong các trường hợp hiếm, có thể soi ổ bụng khi thật cần thiết để xác định chẩn đoán thai lạc chỗ.

CÁC LỰA CHỌN TRONG ĐIỀU TRỊ THAI NGOÀI TỬ CUNG
Bao gồm: theo dõi, soi ổ bụng, phẫu thuật bụng mở và dùng thuốc. Một số nhỏ có thể tự ổn định không cần phải can thiệp, trong khi số đông khác phải mổ cấp cứu vì chảy máu có nguy cơ đến tính mạng. Đối với những trường hợp cần can thiệp, điều trị thông thường nhất là phẫu thuật. Có 2 lựa chọn phẫu thuật: mở ổ bụng (laparotomy) và nội soi ổ bụng (laparoscopy). Soi ổ bụng ngày nay được ưa chuộng hơn.

ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA THAI NGOÀI TỬ CUNG
Điều trị thuốc có thể có kết quả cho một số trường hợp nhất định. Sử dụng một thuốc chống ung thư là metho- trexate (Rheumatrex, Trexall). Thuốc này tác động bằng cách giết các tế bào đang phát triển trong nhau thai, do đó làm hỏng và làm mất bào thai trong TNTC. Một số bệnh nhân không đáp ứng với methotrexate, và phải phẫu thuật. Methotrexate đang được ưa dùng vì kết quả cao và tỷ lệ tác dụng phụ thấp.


Có một số yếu tố giúp cho thầy thuốc quyết định điều trị nội khoa hơn là phẫu thuật: kích thước khối TNTC và nồng độ beta HCG ≤ 5000 mIU/mL. Trong số được tuyển chọn thích hợp, điều trị methotrexate có hiệu quả cho khoảng 90% trường hợp trong điều trị TNTC. Chưa thấy các tác dụng phụ của thuốc trong các lần mang thai sau đó. Thường được cho thử thêm beta HCG để xác nhận hiệu quả của điều trị metho- trexate. Nói chung, hiện đã có nhiều tiến bộ lớn trong chẩn đoán sớm và trong điều trị TNTC và tỷ lệ tử vong của TNTC đã giảm xuống rất nhiều.

MỘT VÀI GỢI Ý CHO CÁC VẤN ĐỀ NÊN ĐƯỢC TÌM HIỂU THÊM
Trứng thụ tinh (ngày 0), sẽ phát triển thành phôi dâu (morula – ngày 4) và thành túi phôi (blastocyst – ngày 4), rồi đi từ bóng vòi và theo vòi Fallope vào đến buồng nội mạc tử cung (cuối ngày 6).


TNTC có nồng độ HCG cao hay cao dần nhưng thường là thấp hơn rất nhiều so với mang thai bình thường. Khi nồng độ HCG cao >1.500 mIU/mL và siêu âm xác nhận không có thai trong tử cung (thấy rõ ràng túi thai hay phôi hay nhịp đập của tim ngoài tử cung) thì có nhiều nguy cơ bị TNTC.

Không may là cho đến nay chưa có một phương pháp nào có thể lấy trứng đã thụ tinh (ở một nơi ngoài tử cung) và đem cấy nó vào buồng tử cung. Cũng chưa có một kỹ thuật y khoa nào làm cho thai di chuyển được tử ống dẫn trứng vào đến tử cung.
 
Các trường hợp cực kỳ hiếm gặp: thai được cấy vào một nơi nào đó trong bụng (mang thai trong ổ bụng – abdominal pregnancy) thường là ở cạnh gan hay các tạng khác được cung cấp máu nhiều hơn. Dù sao, hy vọng sống tiếp của thai là rất mong manh, rất hạn hữu. Do đó người ta thường chỉ định chấm dứt thai kỳ vì có quá nhiều nguy cơ cho người mẹ.

BS CKII. Nguyễn Viết Hậu - Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

 

Các tin đã đăng