Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến thị lực như thế nào?

28/05/2020 08:07:00

Người bệnh Parkinson có thể than phiền một số triệu chứng liên quan đến thị giác như vấn đề khi đọc, nhìn đôi hay khô mắt.

Các vấn đề cử động mắt


Trước hết chúng ta cần biết rằng có 3 loại cử động mắt cơ bản bao gồm:
Cử động dõi theo: giúp hai mắt di chuyển cùng nhau để dõi theo một vật đang di chuyển theo hướng ngang hoặc dọc.
Cử động mắt nhanh: những cử động nhanh của mắt giúp mắt di chuyển nhanh chóng đến một mục tiêu mới. Điều này rất quan trọng trong lúc đọc bởi vì mắt cần phải nhìn nhanh từ cuối dòng này đến đầu dòng kế tiếp.
Cử động phân cách của mắt thường được sử dụng khi mục tiêu hướng đến hay đi ra xa khỏi người quan sát. Chẳng hạn như khi mục tiêu đến gần, hai mắt di chuyển từ từ lại gần nhau (hay nói cách khác là hội tụ) để giúp cho hình ảnh được rõ nét.

Trong bệnh Parkinson, cử động mắt nhanh có xu hướng chậm hơn so với bình thường, điều này làm cho việc đọc trở nên khó khăn khi mắt không thể tìm được vị trí chính xác ở dòng kế tiếp. Nếu người bệnh có tình trạng loạn động do thuốc levodopa, cử động mắt nhanh có thể trở nên nhanh và thất thường, điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc đọc.

Ngoài ra, người bệnh Parkinson cũng gặp khó khăn trong các cử động hội tụ của mắt, hai mắt không thể di chuyển cùng nhau một cách đầy đủ khi mục tiêu đến gần. Hiện tượng này được gọi là giảm khả năng hội tụ của mắt và có thể gây ra nhìn đôi, đặc biệt khi tập trung nhìn gần. Vấn đề này cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng đọc của người bệnh Parkinson.

Các giải pháp cho cử động mắt bất thường

Khi người bệnh Parkinson than phiền về triệu chứng thị giác, điều đầu tiên cần phải xem xét là có một tật khúc xạ ảnh hưởng đến thị giác . Đây là vấn đề thị giác thường gặp ở nhiều người có và không có bệnh Parkinson và theo thời gian cần phải điều chỉnh kính cho phù hợp. Tật khúc xạ có thể được phát hiện bởi bác sĩ nhãn khoa hoặc người đo thị lực. Để chẩn đoán rối loạn cử động mắt cần nhiều đánh giá khác nhau có thể không được thực hiện ở lần thăm khám thường quy với bác sĩ nhãn khoa. Do vậy, nếu bạn có vấn đề về thị giác và đi khám bác sĩ mắt được đo kính mới nhưng không cải thiện triệu chứng, bạn cần được chuyển đến bác sĩ nhãn khoa thần kinh.

Bác sĩ nhãn khoa thần kinh cố gắng để làm cầu nối giữa nhãn khoa và thần kinh trong việc chẩn đoán và điều trị các triệu chứng thị giác trong các bệnh thần kinh. Bác sĩ nhãn khoa thần kinh vừa là một bác sĩ nhãn khoa, vừa là một bác sĩ thần kinh, được đào tạo về thần kinh và nhãn khoa.
Nếu một bất thường về cử động mắt được tìm thấy, người bệnh có thể được kê toa với 2 cặp kính, một để nhìn xa và cái còn lại để nhìn gần. Điều này thường hiệu quả hơn kính hai tròng. Nếu người bệnh có triệu chứng giảm hội tụ mắt, có thể cần phải làm kính lăng trụ. Bác sĩ nhãn khoa thần kinh có thể chuyển người bệnh tới bác sĩ nhãn khoa hay kĩ thuật viên đo thị lực được đào tạo chuyên biệt để làm kính lăng trụ phù hợp. Thông thường đây là những bác sĩ nhãn khoa hay kĩ thuật viên đo thị lực nhi khoa bởi vì sự khiếm khuyết hội tụ mắt thường gặp ở trẻ em. Lăng kính giúp uốn cong ánh sáng đến điểm thích hợp trên võng mạc.
Trong các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế, liệu pháp hội họa cũng giúp làm giảm một số triệu chứng thị giác trong  bệnh Parkinson.

Bất thường về nháy mắt

Phản xạ nháy mắt ở người bình thường diễn ra khoảng 16 đến 18 lần mỗi phút, có thể giảm trong bệnh Parkinson, đôi khi giảm đáng kể. Ít gặp hơn là trường hợp nháy mắt quá mức hay còn gọi là co thắt mi mắt hoặc khó mở mắt.
Người bệnh Parkinson có biểu hiện co thắt mi mắt có thể cải thiện khi tiêm botulinum toxin vào cơ vòng mắt. Phương pháp này được thực hiện bởi chuyên gia rối loạn vận động, bác sĩ nhãn khoa hoặc bác sĩ nhãn khoa thần kinh, thường được lặp lại mỗi 3 đến 4 tháng và có thể rất hiệu quả. Người bệnh mất thực dụng mở mắt thỉnh thoảng cải thiện với tiêm botulinum toxin. Thêm vào đó, giá nâng mi mắt cũng có thể được sử dụng để giữ hai mắt mở.



Bệnh lý mắt khác

Giảm nháy mắt có thể gây ra khô mắt. Thêm vào đó, hậu quả của rối loạn thần kinh thực vật, viêm bờ mi hoặc kích thích mi mắt có thể xảy ra.
Viêm bờ mi có thể được xử trí bằng đè ép ấm, đè ép ẩm, rửa mi mắt hoặc dùng thuốc mỡ tra. Khô mắt có thể được điều trị với nước mắt nhân tạo trong chế phẩm nhỏ mắt hay thuốc mỡ tra mắt. Những điều trị này có thể thực hiện lâu dài để mắt nhìn tốt hơn và cải thiện thị giác.

Khiếm khuyết cảm giác

Những neuron (nơ-ron thần kinh) chứa dopamine ở võng mạc có thể bị mất đi trong bệnh Parkinson. Những rối loạn chức năng của các nơ-ron này có thể dẫn đến mất sự nhạy cảm độ tương phản ở một số người bệnh, khiến họ khó phân biệt được những đồ vật có cường độ màu sắc tương tự nhau. Cũng có trường hợp khiếm khuyết thị giác màu sắc, thường theo trục màu vàng – xanh dương, khiến việc phân biệt vài màu sắc trở nên khó khăn. Các rối loạn thị giác cũng có thể xảy ra. Việc điều trị khiếm khuyết cảm giác rất khó khăn, tuy nhiên thấu kính màu có thể giúp ích trong một số trường hợp.

Ngoài các trường hợp đã nêu trên, người bệnh Parkinson cũng có thể mắc các bệnh về mắt khác như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Những bệnh lý này cũng cần được chẩn đoán và điều trị sớm, giúp người bệnh Parkinson bảo vệ và cải thiện thị lực.

Theo ThS BS. Đặng Thị Huyền Thương, TS BS. Trần Ngọc Tài – Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

 

Các tin đã đăng