Những đối tượng dễ có nguy cơ đột quỵ và cách phòng phòng ngừa?

17/06/2020 15:01:00

Có những nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ. Người càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng dễ bị đột quỵ. Bạn có thể thử kiểm tra, so sánh các nguy cơ để đánh giá tình trạng sức khỏe và các biện pháp phòng ngừa.

Các nguy cơ đột quỵ

TS BS. Nguyễn Bá Thắng - Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ: một là do mạch máu bị vỡ/bể ra; hai là do mạch máu bị tắc nghẽn. Trong đó, đột quỵ vỡ mạch máu (tức là đột quỵ xuất huyết) chiếm tỉ lệ khoảng 20% tổng số các trường hợp đột quỵ. Nguyên nhân của nó hầu hết là do tăng huyết áp. Đột quỵ thiếu máu (tức là mạch máu bị tắc nghẽn khiến máu không lên não được) chiếm khoảng 80%.

"Có ba nguyên nhân cơ bản nhất gây đột quỵ thiếu máu là: xơ vữa động mạch, mạch máu bị xơ vữa gây hẹp, tắc làm cho máu không lên não được; tăng huyết áp làm cho các mạch máu bị thoái hóa tắc nghẽn lại và không nuôi não được; và nguyên nhân do các bệnh lý về tim, một số bệnh tim đặc biệt như bệnh rung nhĩ sẽ tạo ra những cục máu đông trong tim và những cục máu đó sẽ trôi lên não làm bít mạch máu não gây ra thiếu máu não", TS BS. Nguyễn Bá Thắng giải thích.



Vì vậy, người có nguy cơ cao bị đột quỵ là người có những yếu tố “nền” như: tăng huyết áp (đây là nguy cơ rất quan trọng); bệnh đái tháo đường; xơ vữa động mạch; rối loạn về mỡ máu; tình trạng thừa cân béo phì và một số bệnh về tim. Các thói quen, lối sống hằng ngày không tốt cũng có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ như: hút thuốc, uống rượu bia nhiều, ít vận động,… “Người càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng dễ bị đột quỵ. Đặc biệt, đối với những người đã từng bị đột quỵ hoặc tiền sử gia đình có người bị đột quỵ thì nguy cơ đột quỵ và tái phát đột quỵ càng cao.”, TS BS. Nguyễn Bá Thắng cảnh báo.

Phòng ngừa đột quỵ

TS BS. Nguyễn Bá Thắng khuyến cáo, muốn phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, mọi người cần kiểm soát tốt, tránh các tác nhân trên. Đặc biệt, những người có bệnh tim, hay vấn đề về huyết áp, đường huyết cần phải khám kiểm tra định kỳ, đo theo dõi huyết áp, đường huyết thường xuyên. Thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 10% người tăng huyết áp là có triệu chứng (choáng váng, xây xẩm, nhức đầu, khó chịu…).

Người dân nên khám sức khỏe định kỳ. Với người khỏe mạnh bình thường thì nên khám 1 lần/năm, người lớn tuổi (50-60 tuổi trở lên) thì nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng. Nếu phát hiện ra bệnh lý, các yếu tố nguy cơ thì cần điều trị, can thiệp, điều chỉnh kịp thời.

Nên có lối sống lành mạnh: hạn chế rượu bia, thuốc lá; ăn uống lành mạnh: tăng cường rau xanh, giảm mỡ béo, đồ chiên xào, các món ăn từ đường bột; kiểm soát cân nặng; tránh căng thẳng, làm việc quá sức… Với người từng bị đột quỵ, để phòng ngừa tái phát, cần tuân thủ theo các chỉ định phương pháp điều trị và kiểm soát tái phát của bác sĩ.

Nguồn: Báo Thanh niên

 

Các tin đã đăng