Cuộc chiến chống Covid-19 - Dấu ấn Việt Nam

18/06/2020 09:46:00

Hơn 56 ngày qua (từ ngày 17-4 đến nay) không phát hiện thêm ca Covid-19 mắc mới trong cộng đồng mà chỉ ghi nhận các trường hợp Covid-19 là người nhập cảnh và người trở về trên các chuyến bay đón công Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Là quốc gia có đường biên giới giáp Trung Quốc và phát hiện số ca bệnh từ rất sớm nhưng hiện Việt Nam đứng thứ 147 trong số 215 quốc gia và vùng lãnh thổ có ca Covid-19. Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia có trên 300 ca Covid-19 mà không ghi nhận tử vong.

Áp dụng những biện pháp chưa từng có

Việt Nam đã chủ động áp dụng một loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Lần đầu tiên, chúng ta công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra là Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, các biện pháp của Việt Nam bao giờ cũng đặt ở một mức cao hơn so với khuyến cáo của WHO. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia thực hiện biện pháp ngừng miễn thị thực, hạn chế nhập cảnh và áp dụng hình thức cách ly tập trung với người nhập cảnh từ hoặc đi qua các vùng dịch và với tất cả mọi người nhập cảnh từ ngày 21-3-2020... Các ca bệnh nhập khẩu được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Ngay từ những ngày đầu chống dịch, Chính phủ đã chú trọng thực hiện nghiêm công tác phát hiện sớm, cách ly và giải quyết triệt để ổ dịch. Quyền được bảo vệ sức khỏe của người dân luôn được đặt ưu tiên hàng đầu, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của nhân dân".

Chính quyền các cấp chưa lúc nào được đặt vào một tình thế cấp bách như thế để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Ban Bí thư cũng yêu cầu xây dựng các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch, thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra; trong đó nhấn mạnh phải coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc".



Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đồng loạt biện pháp giãn cách xã hội. Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động. Người dân đã thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1 đến 22-4 bằng cách ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, không tụ tập quá 2 người, giữ khoảng cách 2 m với người đối diện... Đây cũng là đại dịch đầu tiên trong lịch sử mà Việt Nam áp dụng biện pháp cách ly quy mô lớn và tiến tới cách ly toàn xã hội.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Đối mặt với dịch Covid-19, nếu như các "chiến sĩ áo trắng" phải bước vào một cuộc chiến cam go là sàng lọc từng người dân, điều tra dịch tễ, giám sát sức khỏe hằng ngày, khám sức khỏe tại chỗ cho người dân, ăn ngủ ở bệnh viện hằng tháng để điều trị, giành giật mạng sống cho bệnh nhân Covid-19, thì ở những nơi rừng núi hàng chục ngàn chiến sĩ áo xanh phải nhường chỗ ăn, ngủ, ngày đêm canh gác để ngăn chặn nguồn lây xâm nhập. Nhiều người đã nén lại nỗi đau chia lìa người thân, lập bàn thờ bố mẹ ngay tại khu cách ly vì nhiệm vụ, không thể về nhà để trọn đạo làm con.

Công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 nhận được sự đồng lòng rất lớn của hơn 90 triệu người dân Việt. Hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19" của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 10-4, nhiều cá nhân, tập thể trong cả nước đã quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch. Từ những người già, trẻ em, những cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tuyến đầu, đến các địa phương hỗ trợ Hà Nội, hay những địa phương giáp biên cương hỗ trợ nước bạn... đều là những tấm lòng vàng góp sức cùng cả nước vượt qua dịch bệnh. Những ngày sau đó là hàng loạt cây ATM gạo, ATM thực phẩm miễn phí, siêu thị 0 đồng… chia sẻ khó khăn cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để không ai bị bỏ lại phía sau.

Chính phủ đồng hành với người dân bằng những chính sách hỗ trợ như gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 cũng như nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó.

Các chuyên gia dịch tễ nhận định chưa bao giờ có dịch bệnh nào lại nhận được sự ủng hộ đồng lòng của người dân đến vậy. Người dân tuân thủ nghiêm túc các chỉ thị, thủ đô Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn khác trở nên vắng vẻ, các hàng quán trường học đóng cửa, học sinh nghỉ học ở nhà... Thành công này có sự góp sức của mỗi người dân Việt Nam. Đây chính là sức mạnh để Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19.

Trong cuộc họp ngày 6-4 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khi Covid-19 đã được đẩy lùi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lên tiếng cảm ơn người dân đã đồng lòng cùng Chính phủ chống dịch dù phải chịu không ít bất tiện trong cuộc sống và thiệt thòi về lợi ích kinh tế....

Nguồn: Báo Người lao động

 

Các tin đã đăng