Tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường

03/01/2013 13:26:00

Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) là hai bệnh lý phổ biến, không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ và được xem như là một trong những đại dịch của thế kỷ XXI. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ đồng thời mắc THA khoảng 50 – 70%, nhất là khi có tiểu đạm đi kèm. Nhiều nghiên cứu cho thấy THA và ĐTĐ thường song hành với nhau vì có cùng các yếu tố nguy cơ như: thừa cân, béo phì, chế độ ăn giàu năng lượng và ít vận động. 

 
Chỉ một số ít bệnh nhân THA có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, đau ngực, khó thở, buồn nôn; còn hầu hết không có triệu chứng nên bệnh dễ bị bỏ sót nếu không được đo huyết áp kiểm tra trong mỗi lần thăm khám. 
Cách đo huyết áp: Thường đo ở tư thế ngồi, tay đặt lên mặt bàn ở mức ngang tim. Bệnh nhân được nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo, không dùng các chất kích thích (rượu, trà, cafe, thuốc lá) trước đó 1 giờ, không dùng thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi có hoạt tính kích thích giao cảm. Ghi nhận huyết áp tâm thu (HATT) khi nghe tiếng đập đầu tiên và huyết áp tâm trương (HATTr) khi mất hẳn tiếng đập.
Do nguy cơ hạ áp tư thế, cần phải đo huyết áp cả hai tư thế nằm và đứng mỗi khi thăm khám. Ngoài ra, đo Holter huyết áp 24 giờ có thể giúp khảo sát sự dao động huyết áp trong ngày cũng như loại trừ "tăng huyết áp áo choàng trắng".
Tỷ lệ THA ở người ĐTĐ cao gấp 2 lần người không ĐTĐ. Ngược lại, khoảng 50% bệnh nhân ĐTĐ đồng thời bị THA. THA là một yếu tố làm tăng biến chứng của ĐTĐ, và ngược lại ĐTĐ cũng làm cho THA khó kiểm soát hơn. Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 (cơ thể sản xuất không đủ insulin), THA thường là hậu quả của biến chứng thận, xảy ra vài năm sau khi chẩn đoán ĐTĐ. Còn ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 (cơ thể giảm đáp ứng với insulin), THA có thể xuất hiện trước khi ĐTĐ được chẩn đoán hoặc cả hai được phát hiện đồng thời trong bệnh cảnh của hội chứng chuyển hóa. So với người ĐTĐ đơn thuần, người ĐTĐ kèm THA sẽ tăng 60% nguy cơ bệnh thần kinh, tăng gấp 2 lần nguy cơ bệnh võng mạc, bệnh thận mạn và tử vong do mọi nguyên nhân, tăng gấp 3 lần nguy cơ bệnh mạch vành và tăng gấp 4 lần nguy cơ đột quỵ. 
 
  • Đặc điểm THA ở bệnh nhân ĐTĐ
    - Thường là hậu quả của tình trạng giữ muối – nước và gia tăng sức cản của mạch máu ngoại biên. 
    - Mất khoảng trũng huyết áp về đêm làm gia tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim cấp.
    - THA tâm thu đơn độc xảy ra ở 65% bệnh nhân ĐTĐ, ngay cả khi tuổi còn trẻ. 
    - THA khi nằm với hạ huyết áp tư thế không hiếm gặp ở bệnh nhân ĐTĐ kèm theo biến chứng thần kinh tự chủ. 
    - Huyết áp ở người ĐTĐ có xu hướng dao động đòi hỏi phải đo nhiều lần để xác lập trị số trung bình. 
     
  • Chẩn đoán THA ở người ĐTĐ khi HATT ≥ 140 mmHg và/hoặc HATTr ≤ 90 mmHg
    Do tầm quan trọng của trị số huyết áp đối với người ĐTĐ, các chuyên gia tim mạch khuyến cáo trên người ĐTĐ có THA, cần làm thêm: điện tâm đồ, siêu âm tim, siêu âm doppler động mạch cảnh, động mạch thận, động mạch hai chi dưới, định lượng microalbumin trong nước tiểu, soi đáy mắt, khám bàn chân, đo chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay. 
    Các thử nghiệm lâm sàng đều cho thấy khi hạ thấp mức huyết áp sẽ làm giảm có ý nghĩa nhiều nguy cơ có liên quan đến ĐTĐ. Khi HATT giảm 10 mmHg sẽ làm giảm 12% nguy cơ các biến chứng của ĐTĐ, giảm 15% nguy cơ tử vong do ĐTĐ, giảm 11% nguy cơ nhồi máu cơ tim và 13% nguy cơ biến chứng vi mạch. Các đồng thuận quốc tế đưa ra huyết áp đích tối ưu ở người ĐTĐ là ≤ 130/80 mmHg. 

  • Việc kiểm soát huyết áp dựa trên hai biện pháp chính là không dùng thuốc (thay đổi lối sống) và dùng thuốc.
    • Thay đổi lối sống cần áp dụng ở tất cả bệnh nhân, vì không những làm hạ huyết áp mà còn giúp ổn định đường-huyết và lipid-huyết. 
      - Giảm cân nếu thừa cân (giữ BMI = 18,5 – 22,9 kg/m2).
      - Giảm vòng eo (nam < 90 cm, nữ < 80 cm). 
      - Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi ít ngọt (thanh long, táo, bưởi...) và protein thực vật (đậu tương), hạn chế chất béo bão hòa và tổng lượng chất béo.
      - Hạn chế muối (< 6 g tương đương 1 thìa cafe gạt ngang/ngày).
      - Hạn chế chất cồn (< 30 mL rượu mạnh hay 750 mL bia/ngày).
      - Ngưng hút thuốc lá.
      - Thư giãn, tránh làm việc căng thẳng.
      - Tăng cường hoạt động thể lực (đi bộ 30 – 45 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần). Trong trường hợp đã có các biến chứng mạn tính của ĐTĐ thì cần được bác sĩ tư vấn chế độ tập luyện. 
      - Những bệnh nhân có huyết áp 130 – 139/80 – 89 mmHg có thể áp dụng các biện pháp không dùng thuốc đơn độc trong 3 tháng, nếu không đạt huyết áp mục tiêu thì phải kết hợp với điều trị bằng thuốc.
    • Điều trị THA bằng thuốc là sử dụng 5 nhóm thuốc chính bao gồm: ức chế men chuyển, chẹn thụ thể Angiotensin II, chẹn kênh calci, chẹn beta và lợi tiểu. Phần lớn bệnh nhân cần phối hợp ít nhất 2 nhóm thuốc để đạt huyết áp mục tiêu. Ưu tiên lựa chọn sớm liệu pháp kết hợp thuốc ức chế men chuyển/chẹn thụ thể Angiotensin II với thuốc chẹn kênh calci/lợi tiểu thiazide liều thấp. Riêng nhóm ức chế men chuyển được xem là thuốc chỉ định đầu tay cho người ĐTĐ có THA vì ngoài tác dụng hạ áp còn giúp giảm phì đại tâm thất trái, giảm protein niệu nên làm chậm tốc độ tiến triển bệnh lý thận.
      Điều cần lưu ý là bệnh nhân phải tái khám định kỳ để theo dõi hiệu quả, tác dụng phụ của thuốc và điều chỉnh cho thích hợp. Khi đã đạt huyết áp như mục tiêu, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục duy trì các thuốc hạ áp đang sử dụng vì nếu ngưng thuốc, huyết áp sẽ gia tăng trở lại.
Tóm lại, THA ở người ĐTĐ là một bệnh lý quan trọng có ảnh hưởng toàn thân nhưng hay bị bỏ quên. Kiểm soát huyết áp cũng như đường-huyết, lipid-huyết là những vấn đề then chốt đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 2, giúp làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa những biến chứng mạch máu trong tương lai.

Các tin đã đăng