Chương trình tư vấn: Dự phòng đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ

31/12/2020 11:42:00

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đây là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, có tỉ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có từ 10 đến 20% trường hợp tử vong và chỉ có khoảng 30% người bệnh sống sót có khả năng bình phục hoàn toàn. Rung nhĩ (tim đập loạn nhịp) là một bệnh lý tim mạch có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 5 lần so với người bình thường và có khoảng 20% các trường hợp đột quỵ là do rung nhĩ gây ra.



Nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc dự phòng đột quỵ cho người bệnh rung nhĩ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp với Công ty TNHH Bayer Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn Sống khỏe – Sẻ chia với chủ đề "Dự phòng đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ" trên trang Fanpage và Youtube của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, theo dõi tại: https://youtu.be/S_gqAXMMgSQ

GS TS BS. Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, những đối tượng đã có sẵn bệnh lý về tim như nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim cục bộ lâu ngày, suy tim, cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim đều có thể dẫn đến tình trạng rung nhĩ. Bên cạnh đó, các bệnh lý ngoài tim như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh lý về tuyến giáp (đặc biệt là cường giáp) cũng là nguyên nhân gây rung nhĩ. Ngoài ra, rung nhĩ còn có thể xảy ra ở những người sử dụng nhiều rượu bia, béo phì, bị nhiễm trùng nặng...

Dấu hiệu thường gặp của rung nhĩ là nhịp tim không bình thường, gây hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức ngực… Cũng có nhiều trường hợp người bệnh không biểu hiện triệu chứng. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng, giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.

TS BS. Nguyễn Bá Thắng khuyến cáo, đột quỵ không có dấu hiệu nhận biết trước nên người bệnh không nên chủ quan mà phải tự chủ động trang bị kiến thức để tự bảo vệ bản thân, giảm thiểu tối đa các nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ. Đối với những người bệnh đã từng bị đột quỵ, tỉ lệ xảy ra đột quỵ tái phát rất cao, do đó người bệnh cần nâng cao ý thức dự phòng về sau.

Nên có kế hoạch ăn uống, luyện tập để duy trì lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị của Bác sĩ. Đối với những người bệnh đã phát hiện rung nhĩ, nên đến khám chuyên khoa tim mạch để đánh giá nguy cơ có thể gây đột quỵ. Tùy theo mức độ đánh giá, người bệnh sẽ được chỉ định những phương pháp điều trị và dự phòng đột quỵ phù hợp.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ
 

Các tin đã đăng