Các loại vắc-xin cần sử dụng cho người bệnh đái tháo đường

17/12/2014 09:08:00

Tiêm vắc-xin từ lâu đã được chứng minh là một phương pháp an toàn, hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Ở nước ta, một nước đang phát triển, tỷ lệ các bệnh nhiễm khuẩn trong cộng đồng còn cao nên việc tiêm phòng vắc-xin là rất cần thiết. Người bệnh đái tháo đường là những người dễ bị “tổn thương” bởi các bệnh truyền nhiễm và thường có các biến chứng nặng, có thể gây tử vong. Do đó, việc tiêm vắc-xin cho người bệnh đái tháo đường là rất cần thiết.
 

 


Hình xơ mỡ động mạch, thành động mạch dày có thể đưa đến tạo huyết khối và tắc, gây ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Đái tháo đường từ lâu đã trở thành một bệnh có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Người bệnh đái tháo đường có hệ thống miễn dịch bị rối loạn nên họ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi đã mắc các bệnh này thì tỷ lệ biến chứng và tử vong sẽ khá cao. Số nằm viện và tử vong do bệnh phế cầu trùng và cúm thường gặp nhiều hơn ở người bệnh đái tháo đường (tỷ lệ nhập viện do viêm phổi ở người bệnh đái tháo đường lên đến 25 - 75%). Trong khi đó, người bệnh đái tháo đường có đáp ứng miễn dịch khi tiêm vắc-xin vẫn là bình thường, tương tự như những người khỏe mạnh. Do đó, việc tiêm phòng các bệnh nhiễm khuẩn, mà trước hết là tiêm các vắc-xin phòng cúm và phế cầu trùng, có ý nghĩa rất quan trọng vì nó giúp cho người bệnh đái tháo đường sống khỏe hơn và tránh được các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Sau khi tiêm vắc-xin, cơ thể chúng ta sẽ học cách “tấn công” vi-rút hay vi khuẩn được tiêm ngừa. Vì vậy, khi chúng ta thực sự bị nhiễm những vi-rút hay vi khuẩn này, cơ thể chúng ta sẽ “tấn công” và “tiêu diệt” chúng hiệu quả. Điều này giúp chúng ta không bị bệnh hoặc chỉ bị bệnh rất nhẹ.
 

 

Tuy nhiên, hiện nay, nếu ở các nước phát triển đã có hướng dẫn quy định việc tiêm vắc-xin cho người đái tháo đường thì ở các nước đang phát triển, việc tiêm vắc-xin miễn phí cho người lớn là điều không khả thi. Xét về mặt kinh tế, chỉ riêng việc tiêm chủng miễn phí cho trẻ nhỏ trong mấy thập niên gần đây cũng đã là một cố gắng hết sức của nhà nước. Vì vậy, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một dự định cụ thể hay một đồng thuận nào về việc tiêm phòng các loại vắc-xin cho người bệnh đái tháo đường. Dưới đây, chúng tôi xin đề cập đến những vắc-xin đã được chứng minh là rất hiệu quả trên người bệnh đái tháo đường và người bệnh nên trao đổi với bác sĩ của mình để được tư vấn chích ngừa hiệu quả.
 

TÌNH TRẠNG PHỔ BIẾN CỦA NHIỄM KHUẨN Ở NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Nhiễm bệnh cúm
Cúm là một bệnh thường gặp và có thể thúc đẩy khởi phát các bệnh nghiêm trọng khác như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. Người bệnh đái tháo đường khi mắc bệnh cúm dễ bị nặng, tình trạng nhiễm khuẩn xấu hơn, nhiều biến chứng mạch vành, nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn 2 - 4 lần, tỷ lệ nhập viện cao hơn 6 lần trong mùa dịch cúm và tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%. Tiêm ngừa cúm ở phân nhóm này đạt hiệu quả to lớn về sức khỏe (giảm tử vong) cũng như về kinh tế (giảm số nhập viện, giảm các biến chứng phối hợp). Kết quả ghi nhận cho thấy không có người bệnh nào đã tiêm ngừa vắc-xin bị cúm trong năm tiếp sau đó, điều này chứng minh việc tiêm ngừa bệnh cúm cho các người bệnh đái tháo đường typ 1 hoặc typ 2 là có cơ sở vững chắc.
 

Tất cả người bệnh đái tháo đường, kể cả phụ nữ mang thai, nên được tiêm phòng cúm mỗi năm một lần. Thời điểm tốt nhất để tiêm ngừa là vào đầu mùa cúm mỗi năm (thường là mùa thu hay mùa đông).
 

Các nhiễm khuẩn do phế cầu


Hình ảnh viêm phổi điển hình do vi khuẩn, là biến chứng hay gặp trong bệnh đái tháo đường.
Các bệnh do phế cầu là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh phải nhập viện và dễ tử vong. Phế cầu có thể gây ra viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và viêm màng não... Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tử vong của các nhiễm khuẩn do phế cầu chiếm tỷ lệ trung bình 10 - 20% và có thể vượt quá 50% ở các nhóm có nguy cơ cao. Người ta ước tính, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ tử vong cao gấp gần 3 lần do biến chứng viêm phổi trong số những người nhập viện (4,4 lần ở đái tháo đường typ 1 và 1,2 lần ở typ 2). Người bệnh đái tháo đường có chỉ số HbA1c ≥ 9% thường có nguy cơ nhập viện vì viêm phổi tăng 60%. Những người bệnh đái tháo đường với HbA1c < 7% có nguy cơ này tăng 22% so với những người không bị đái tháo đường. Có nhiều bằng chứng cho thấy đái tháo đường là một bệnh hay gặp nhất kết hợp với các nhiễm phế cầu.
 

 

Tiêm vắc-xin phế cầu có thể giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm do phế cầu. Có thể tiêm vào cùng thời điểm với vắc-xin cúm hay vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Người bệnh cần tiêm ít nhất một mũi vắc-xin. Mũi tiêm thứ 2 có thể cần thiết nếu tiêm mũi đầu trước đó ít nhất 5 năm và người bệnh đã trên 65 tuổi.
 

Nhiễm viêm gan B
Virut viêm gan B (HBV) gây bệnh viêm gan siêu vi, nguy hiểm đến tính mạng, thường dẫn đến bệnh gan mạn tính, nguy cơ tử vong cao vì xơ gan và ung thư tế bào gan.
 

Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ nhiễm HBV cao gấp 2,1 lần so với người không bị đái tháo đường.
 

Ngoài ra, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị cho mình về việc tiêm các vắc-xin khác: ngừa viêm gan A, ngừa sởi-quai bị-rubella, ngừa cầu khuẩn màng não, ngừa uốn ván-hạch hầu-ho gà, ngừa thủy đậu, ngừa zona.
 

KHUYẾN CÁO VỀ TIÊM PHÒNG VẮC-XIN CHO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Dưới đây, chúng tôi chỉ xin giới thiệu chỉ định dùng các loại vắc-xin tiêm chủng cho người lớn bị đái tháo đường của Hoa Kỳ. Ở trẻ em bị đái tháo đường trong những năm gần đây, người ta thấy có xu hướng gia tăng mạnh nhất là ở trẻ thừa cân béo phì, chúng tôi sẽ có dịp trở lại đề cập thêm đến vấn đề tiêm chủng ở những người bệnh này.
 

Tiêm chủng cho người lớn bị đái tháo đường
Bảng dưới đây giới thiệu các tiêm chủng người bệnh phải theo để bảo vệ sức khỏe trong trường hợp bị đái tháo đường. Phải đảm bảo các tiêm chủng diễn ra đúng kỳ hạn.

 
Vắc-xin Bạn có cần tiêm chủng nó không?
Viêm gan A
(HepA)
Có thể. Bạn cần tiêm vắc-xin này nếu bạn có yếu tố nguy cơ đặc hiệu cho nhiễm vi-rút viêm gan A (*) hoặc chỉ đơn giản là bạn muốn được bảo vệ không bị bệnh này. Thường dùng 2 liều, cách nhau 6 tháng.
Viêm gan B
(HepB)
Cần! Nếu bạn dưới 60 tuổi và chưa bao giờ tiêm hoặc chưa tiêm đủ các liều vắc-xin viêm gan B, thì bạn nên tiêm chủng. Nếu bạn ≥ 60 tuổi, nên trao đổi với cán bộ y tế về việc bạn cần tiêm vắc-xin viêm gan B.
Vi-rút u nhú người (HPV) Có thể. Bạn cần tiêm vắc-xin này khi bạn là nữ giới ≤ 26 tuổi hoặc là nam giới ≤ 21. Nam giới 22 - 26 tuổi có nguy cơ (*) cũng cần đến vắc-xin này. Các nam giới khác tuổi từ 22 - 26 muốn được bảo vệ không bị mắc HPV cũng có thể được tiêm. Dùng 3 liều vắc-xin trong vòng 6 tháng, cách nhau theo lịch từ 0, 2, 6.
Cúm
(Influenza)
Cần! Bạn cần tiêm phòng cúm mỗi mùa thu (hoặc mùa đông) để bảo vệ cho bạn và những người xung quanh bạn.
Sởi, quai bị, rubella
(MMR)
Có thể. Bạn cần ít nhất một liều MMR nếu bạn sinh 1957 hoặc muộn hơn. Bạn cũng có thể cần một liều thứ hai (*).
Cầu khuẩn màng não
(MCV4, MPSV4)
Có thể. Bạn cần đến văc-xin này nếu bạn có một vài vấn đề về sức khỏe, hoặc nếu bạn từ 19 - 21 tuổi và là sinh viên năm thứ nhất sống nội trú và bạn chưa hề tiêm vắc-xin này hoặc đã có tiêm trước tuổi 16 (*).
Phế cầu khuẩn (PCV13, PPSV23) Cần! Người bị đái tháo đường cần được tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn polysaccharide (PPSV23). Nếu bạn dưới 65 tuổi, bạn cần tiêm một liều nữa khi bạn ≥ 65 tuổi, với điều kiện liều sau cách liều trước ít nhất là 5 năm. Người lớn với các nguy cơ cao nào đó cũng cần tiêm vắc-xin PCV13. Trao đổi với nhân viên y tế xem bạn có cần đến vắc-xin này hay không?
Uốn ván, bạch hầu, và ho gà
(pertussis, Tdap, Td)
Cần! Tất cả người lớn cần được tiêm vắc-xin Tdap (vắc-xin ho gà người lớn) và phụ nữ cần được tiêm một lần mỗi khi có thai. Tiếp sau đó, bạn cần đến một liều Td tăng cường mỗi 10 năm. Tham khảo ý kiến nhân viên y tế nếu như bạn chưa từng có ít nhất 3 lần tiêm vắc-xin trong đó có thành phần uốn ván và bạch hầu hoặc bạn bị một vết thương sâu hay bẩn.
Thủy đậu
(Chickenpox)
Có thể. Người lớn sinh từ 1980 trở về sau, chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa từng tiêm vắc-xin, cần được tiêm 2 liều vắc-xin (**)
Bệnh zoster
(shingles hay zona)
Có thể. Nếu bạn ≥ 60 tuổi, bạn cần được tiêm ngay một liều vắc-xin.

(*) Tham khảo cán bộ y tế để xác định mức độ nguy cơ của nhiễm khuẩn và việc bạn cần được tiêm vắc-xin.
(**) Theo qui định của Hoa Kỳ, nếu bạn đi du lịch ngoài nước, có thể bạn cần được tiêm bổ sung các vắc-xin khác.

 

ThS BS Diệp Thị Thanh Bình

Các tin đã đăng