Bạn có đang mắc phải căn bệnh giả gút?

07/04/2021 11:11:00

Bệnh gút (gout) và bệnh giả gút là bệnh lý ứ đọng tinh thể muối tại khớp và mô liên kết. Mặc dù biểu hiện lâm sàng của hai bệnh này rất giống nhau nhưng chúng lại có sự khác biệt về nguyên nhân và cách điều trị. ThS BS. Trần Hồng Thụy – Khoa Nội Cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM giải đáp một số vấn đề về căn bệnh này.

Vì sao chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa bệnh gút và giả gút?

Bệnh viêm khớp giả gút là một dạng của viêm khớp đặc trưng do đau sưng tại một hay nhiều khớp xương. Cơn đau có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần và đau ở khớp gối. Những trường hợp khác có thể bị đau ở khớp cổ tay hoặc cổ chân. Thông thường, bệnh lý viêm khớp giả gút thường khởi phát ở độ tuổi 55 – 60 tuổi.

Trong khi đó, bệnh gút thường biểu hiện bởi các cơn đau cấp tính kéo dài khoảng 2 – 3 ngày. Một số trường hợp có thế đến 7 – 10 ngày; điển hình sưng đau khớp cổ chân hoặc khớp ngón cái chân. Thông thường, bệnh gút sẽ xảy ra ở khớp cổ chân hoặc bàn chân ngón cái. Bệnh gút thường gặp ở nam giới độ tuổi 30 – 40 tuổi. Phụ nữ có thể mắc bệnh gút sau tuổi tiền mãn kinh. Bệnh giả gút thường gây đau từ từ trong nhiều ngày hơn. Đặc biệt, mức độ trầm trọng cũng ít dai dẳng hơn so với bệnh gút.

Điều gì xảy ra nếu không chữa trị kịp thời?

Nếu không điều trị kịp thời, khớp của người bệnh sẽ sưng và xuất hiện các cơn đau dai dẳng. Từ đó, gây khó khăn khi di chuyển và làm hạn chế vận động ở người bệnh. Đặc biệt, nếu bệnh nhân không thăm khám và ngại đi đứng sẽ còn dẫn đến nguy cơ teo cơ.

Đó là do đặc tính lắng đọng tinh thể ở sụn khớp. Nếu không chữa kịp thời, sụn khớp bị hư và gây vôi hóa sụn khớp.

Vì vậy, khi thấy cơ thể có những biểu hiện như đau hoặc sưng khớp, bạn nên đến thăm khám tại bệnh viện ngay lập tức. Hành động này sẽ giúp làm dịu đi những cơn đau, giảm viêm. Đặc biệt là giúp các hoạt động đi lại được bình thường.

Làm thế nào để hạn chế nguy cơ mắc bệnh giả gút?

Theo ThS BS. Trần Hồng Thụy, chúng ta cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục:

Trong ngày, bạn nên thực hiện các hoạt động tăng cường cơ bắp xung quanh các khớp bị ảnh hưởng. Ngoài cách trên, bạn cũng có thể dùng túi chườm đá để giảm sưng tấy.

Trong chế độ ăn, bạn nên bổ sung các thực phẩm chống viêm như axit béo omega-3. Tăng cường rau xanh và các loại hạt hoặc quả thuộc họ dâu.

Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là hãy đến bệnh viện thăm khám định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

***

Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là địa chỉ uy tín trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý xương khớp ở người cao tuổi như loãng xương, thoái hóa khớp, bệnh gân cơ; các bệnh khớp chuyển hóa như viêm khớp gút, giả gút; các bệnh khớp tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến... và các bệnh mô liên kết khác như lupus, viêm da cơ, xơ cứng bì, viêm mạch...

Ứng dụng những tiến bộ trong y học, Khoa đã xây dựng thế mạnh trong ứng sử dụng thuốc sinh học để điều trị các bệnh cơ xương khớp tự miễn. Người bệnh đến khám tại Khoa thường được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, Khoa luôn chú trọng cải tiến chất lượng dịch vụ nhằm đưa đến sự hài lòng tối đa cho người bệnh khi đến điều trị, chú trọng phối hợp với các chuyên khoa khác của Bệnh viện, hướng đến phương pháp điều trị đa mô thức giúp người bệnh được điều trị toàn diện nhằm đạt hiệu quả tối ưu.

Thông tin chi tiết:
- Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Lầu 8, Khu A 215 Hồng Bằng, Phường 11, Quận 5, TPHCM
- Số điện thoại: (028) 3952 5839
- Lịch khám bệnh: https://bit.ly/3bNjnGl

Các tin đã đăng