Viện phí “tính đúng, tính đủ” thúc đẩy mở rộng bảo hiểm y tế

23/04/2015 16:31:00

Mặc dù giá dịch vụ y tế ở các bệnh viện công lập đã được điều chỉnh theo hướng tăng lên nhưng theo Bộ Y tế thì chỉ mới đáp ứng khoảng 60% - 80% các chi phí khám chữa bệnh, bệnh viện (BV) vẫn phải trông chờ nhà nước bao cấp. Vì vậy, theo Bộ Y tế, đến năm 2020 phải hoàn thiện “tính đúng, tính đủ” các chi phí vào giá dịch vụ để BV đủ chi phí. Liệu điều này có làm tăng gánh nặng cho người bệnh?.
 

Giá dịch vụ y tế công ngang bằng y tế tư?
Tại hội nghị về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tổ chức mới đây ở Bà Rịa - Vũng Tàu, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho rằng nhà nước đang thực hiện chính sách “bao cấp ngược”. Đó là nhà nước thực hiện thu viện phí với mức giá thấp hơn 20% - 40% so với giá thực tế, đồng nghĩa với việc tất cả mọi đối tượng đều được hưởng lợi. “Lẽ ra bao cấp chỉ thực hiện đối với những người bệnh không có khả năng chi trả, thế nhưng hiện nay việc bao cấp lại thực hiện tràn lan sang cả đối tượng có khả năng chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh”, PGS Khuê nói. Điều này có nghĩa việc thực hiện giá dịch vụ y tế, trong đó có viện phí đang “đánh đồng” giữa mọi đối tượng, không phân biệt giàu - nghèo. Trong khi đó, qua các lần điều chỉnh giá dịch vụ viện phí thì vẫn chưa đáp ứng đủ chi phí cho BV, nhà nước vẫn phải bao cấp một phần. Từ đó, BV công lập không đủ khả năng để tái đầu tư cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…
 


Khám bệnh diện BHYT tại Bệnh viện Quận 2 TPHCM.
 

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), để giải quyết hai vấn đề trên, Chính phủ đã quyết định thực hiện tiến tới tính đúng, tính đủ đối với giá dịch vụ y tế. Theo đó giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được điều chỉnh từng bước, đến năm 2020 ngành y tế sẽ thực hiện triệt để việc tính đủ chi phí. Khi đó, giá dịch vụ y tế ắt hẳn sẽ tăng vọt lên nhiều lần bởi sẽ bao gồm 7 yếu tố: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. “Hiện nay hầu hết các BV công lập mới tính 3/7 yếu tố dịch vụ y tế. Cho nên các BV chưa có cơ hội phát triển”, ông Liên cho biết. Trước mắt, theo Bộ Y tế, năm 2016, viện phí sẽ tiếp tục tăng vì được tính cả chi phí tiền lương, tiền công cho nhân viên y tế.
 

PGS-TS Lương Ngọc Khuê phân tích: Khi giá dịch vụ được tính đủ, BV công sẽ không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí mà sẽ phải hoạt động bằng nguồn thu từ bệnh nhân. BV muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu không người bệnh quay lưng lại với mình hoặc cơ quan BHXH sẽ không ký hợp đồng.
 

Theo các chuyên gia y tế, trong khi cả hai đều được thanh toán BHYT như nhau thì đây quả là một “cuộc chơi” sòng phẳng, góp phần khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích sự phát triển của BV tư nhân, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa BV công và BV tư. Người bệnh sẽ lựa chọn cơ sở y tế tốt nhất không kể công hay tư vì mức giá ngang nhau.
 

Buộc người bệnh phải mua BHYT
Suy cho cùng, mục đích chính của “tính đúng, tính đủ” là để dịch vụ y tế công lập ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Song, đồng hành với đó là gánh nặng tiếp tục đè lên vai người bệnh. Vì vậy, “tính đúng, tính đủ” cũng là mục đích để hiện thực hóa chính sách BHYT toàn dân mà Chính phủ đề ra đến năm 2020. BHYT được xác định là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội. Nhiều năm qua nhà nước đã dành một nguồn ngân sách khổng lồ để hỗ trợ mua BHYT cho các đối tượng người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ dưới 6 tuổi, người cận nghèo.
 


Chăm sóc một học sinh tiểu học tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Ảnh: Đức Trí
 

Việc “tính đúng tính đủ” sẽ đảm bảo được sự công bằng xã hội. Với những người không tham gia BHYT, có đủ khả năng chi trả viện phí sẽ phải thanh toán mức phí khám chữa bệnh đúng với giá thực tế khi không còn được bao cấp nên đối tượng này sẽ phải chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ khám chữa bệnh. Tức là việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ tạo gánh nặng cho các đối tượng không tham gia BHYT chứ không làm ảnh hưởng đến các đối tượng thuộc diện BHYT, nên sẽ khuyến khích được người dân tham gia BHYT, góp phần thực hiện thành công chủ trương BHYT toàn dân. Theo PGS Lương Ngọc Khuê, khi “tính đúng, tính đủ” rồi thì “bầu sữa” nhà nước không trợ cấp cho BV công nữa mà chuyển qua hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
 

Về việc này, ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh, khi không “tính đúng tính đủ”, các BV không có kinh phí để triển khai dịch vụ nên người bệnh thường chuyển lên tuyến trên. Khi giá “tính đúng tính đủ”, các BV tuyến dưới sẽ triển khai dịch vụ kỹ thuật cao, người dân được hưởng dịch vụ ngay địa bàn cư trú
 

 Theo ông Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 71% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế “tính đúng, tính đủ” thì ắt hẳn tỷ lệ tham gia BHYT cao hơn, chất lượng khám chữa bệnh cũng tăng lên. Cũng theo ông Khảm, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đang tháo gỡ các vướng mắc để người dân tham gia BHYT thuận lợi hơn.

TƯỜNG LÂM
Theo Báo SGGP

Các tin đã đăng