Đề kháng kháng sinh và vai trò của Dược sĩ lâm sàng trong việc ngăn ngừa và điều trị vi sinh vật kháng thuốc

01/12/2021 18:54:00

Các vi sinh vật đề kháng kháng sinh là vấn đề khiến các nhà lâm sàng “đau đầu trong suốt thời gian dài. Kháng sinh ngày càng mất tác dụng khi tình trạng kháng thuốc lan rộng trên toàn cầu, dẫn đến nhiễm trùng khó điều trị hơn, chi phí điều trị cao hơn, thậm chí là đe doạ tính mạng và tử vong.

Đề kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên theo thời gian, thường là do thay đổi về gen. Các sinh vật đề kháng kháng sinh được tìm thấy ở con người, động vật, thức ăn, cây trồng và môi trường (trong nước, đất và không khí). Chúng có thể lây từ người sang người hoặc giữa người và động vật, kể cả từ thực phẩm có nguồn gốc động vật. Nếu chúng ta không thay đổi cách sử dụng kháng sinh hiện nay thì những loại kháng sinh mới cũng sẽ chịu chung số phận với những kháng sinh hiện nay và trở nên không còn hiệu quả.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Một số thực trạng dẫn đến đề kháng kháng sinh như hiện nay là việc sử dụng kháng sinh rộng rãi trong cộng đồng, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi,… Ngoài ra, việc lan rộng của tình trạng đề kháng kháng sinh còn hậu quả của tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, thiếu thiết bị xét nghiệm vi sinh, thiếu nhân viên được đào tạo chính quy về vi sinh và đặc biệt là đội ngũ dược lâm sàng.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, một
bệnh viện tuyến cuối trong điều trị bệnh tại khu vực phía Nam, trong thời gian gần đây tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc được ghi nhận dao động từ 16-29%. Thấu hiểu được tầm quan trọng của việc điều trị bệnh hiệu quả, ngăn ngừa đề kháng kháng sinh, tiết kiệm kháng sinh cho người bệnh và cộng đồng, một nhóm phối hợp bao gồm bác sĩ điều trị - dược sĩ lâm sàng – vi sinh lâm sàng – kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thành lập và phối hợp chặt chẽ nhằm hướng đến mục tiêu chung.


Ngày càng có ít kháng sinh mới được ra đời trong khi tỷ lệ đề kháng của các kháng sinh hiện có đang tăng dần dẫn đến các phác đồ sử dụng kháng sinh trở nên phức tạp hơn, các bệnh nhiễm trùng diễn biến ngày càng khó đoán. Do đó, kiểm soát việc sử dụng các kháng sinh hiện có, tối ưu hoá liều dùng, đường dùng, thời điểm, thời gian dùng thuốc cho từng đối tượng người bệnh một cách hiệu quả tránh đề kháng là vấn đề cấp thiết. Trong đó, dược sĩ lâm sàng là nhân tố quan trọng trong chương trình quản lý sử dụng kháng sinh, đánh giá yếu tố nguy cơ nhiễm trùng, theo dõi sát sao người bệnh và đưa ra can thiệp kịp thời và phù hợp tình trạng bệnh.

Tại
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trong các năm vừa qua nhiều chương trình quản lý sử dụng thuốc trong đó có chương trình quản lý sử dụng kháng sinh như: chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống, quản lý sử dụng kháng sinh dự phòng, theo dõi nồng độ thuốc trong trị liệu, … đã được tiến hành thường xuyên, duy trì đều đặn và nâng cao trong công tác quản lý chất lượng điều trị đã thu được những hiệu quả khả quan.


Việc sớm chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống mang đến những hiệu quả nhất định đã được chứng minh trong các chương trình quản lý sử dụng kháng sinh của các nước trên thế giới. Trong một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ tái sử dụng kháng sinh đường tiêm, tỷ lệ tái nhập viện, tỷ lệ tử vong tại bệnh viện trước và sau khi áp dụng chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh không khác biệt trong khi việc chuyển đổi sớm đường dùng kháng sinh giúp mang lại nhiều lợi ích như giảm các tác dụng phụ liên quan đến đường tiêm như nhiễm khuẩn liên quan catheter, viêm tĩnh mạch, các phản ứng liên quan đến tiêm truyền, giảm các sai sót liên quan đến việc sử dụng thuốc tiêm truyền. Ngoài ra, chi phí điều trị kháng sinh, chi phí chăm sóc y tế và chi phí giường bệnh giảm do người bệnh được chuyển sang kháng sinh đường uống và được xuất viện sớm hơn sau khi có can thiệp của dược sĩ lâm sàng.

Trong chương trình quản lý sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, sự can thiệp của dược sĩ lâm sàng có liên quan có ý nghĩa thống kê đến tính hợp lý trong sử dụng kháng sinh dự phòng và chi phí điều trị. Hơn nữa, các dược sĩ thường xuyên thu thập và báo cáo dữ liệu về các biện pháp can thiệp và mô hình sử dụng kháng sinh tại bệnh viện để đánh giá hiệu quả của chương trình, xác định các lĩnh vực cần cải thiện và tiếp tục duy trì công tác quản lý chất lượng điều trị.

Hiệu quả điều trị và các phản ứng có hại được chứng minh là có liên quan đến nồng độ thuốc trong huyết thanh. Nồng độ thuốc cao có thể dẫn đến tăng các biến cố có hại, cụ thể là độc tính trên thận. Ngược lại, nồng độ thấp dưới ngưỡng trị liệu có liên quan đến sự xuất hiện các chủng vi khuẩn đề kháng thuốc, ví dụ Staphylococcus aureus dị kháng với vancomycin (hVISA) và thất bại điều trị. Do đó, việc theo dõi nồng độ thuốc trong trị liệu rất cần thiết. Tại bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, hướng dẫn theo dõi nồng độ vancomycin đã được ban hành và áp dụng trên toàn bệnh viện từ cuối năm 2018. Hoạt động theo dõi nồng độ vancomycin sau đó được đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ trên toàn bệnh viện với sự can thiệp trực tiếp của dược sĩ lâm sàng trên từng bệnh nhân có chỉ định vancomycin. Kết quả  của một nghiên cứu tiến hành năm 2020 cho thấy sự can thiệp của dược sĩ lâm sàng đã làm tăng tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ vancomycin nằm trong khoảng trị liệu (đủ để có hiệu quả tối ưu nhưng không gây độc tính) lên cao hơn 40%.

Sử dụng kháng sinh hợp lý là một yếu tố then chốt nhằm mang lại hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân và cộng đồng, đặc biệt trong thời đại đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Những hiệu quả của công tác dược lâm sàng trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả đáng khích lệ, từ việc nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tối đa độc tính của thuốc, rút ngắn thời gian nằm viện đến giảm chi phí sử dụng thuốc cho người bệnh. Cần tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động của dược sĩ lâm sàng trên nhiều lĩnh vực và nhân rộng tới nhiều cơ sở y tế khác.



Theo PGS TS DS. Đặng Nguyễn Đoan Trang - Tổ Thông tin thuốc – Dược lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM


Tài liệu tham khảo:

1. 
Aiken A. M., Karuri D. M., Wanyoro A. K. et al. (2012), “Interventional studies for preventing surgical site infections in sub-Saharan Africa–a systematic review”, International Journal of Surgery, 10(5), pp.242-249.

2. Bowater R. J., Stirling S. A., Lilford R. J. (2009), “Is antibiotic prophylaxis in surgery a generally effective intervention?: testing a generic hypothesis over a set of meta-analyses”, Annals of surgery, 249(4), pp.551-556

3. 
Hirano R, Sakamoto Y, Kitazawa J, et al (2016). Pharmacist-managed dose adjustment feedback using therapeutic drug monitoring of vancomycin was useful for patients with methicillin-resistant Staphylococcus aureus infections: a single institution experience. Infect Drug Resist, 9:243-252.

4. 
Kim S.H., Song J.H., Chung D.R., et al (2012), “Changing trends in antimicrobial resistance and serotypes of Streptococcus pneumoniae isolates in Asian countries: an Asian Network for Surveillance of Resistant Pathogens (ANSORP) study”, Antimicrobial Agents and Chemotherapy, 56(3): 1418-1426.

5. 
Kuti J.L., Le T.N., Nightingale C.H., et al (2002), “Pharmacoeconomics of a pharmacist-managed program for automatically converting levofloxacin route from IV to oral”, American Journal of Health System Pharmacy, 59(22): 2209-2215.

6. 
Van Hal SJ., Paterson DL, Lodise TP (2013). Systematic review and meta-analysis of vancomycin-induced nephrotoxicity associated with dosing schedules that maintain troughs between 15 and 20 milligrams per liter. Antimicrob Agents Chemother, 57(2):734-744.

7.
Xu G, Chen E, Mao E, et al (2018). Research of optimal dosing regimens and therapeutic drug monitoring for vancomycin by clinical pharmacists: analysis of 7-year data. Zhonghua Wei Zhong Bing Ji Jiu Yi Xue, 30(7):640-645.

 

Các tin đã đăng