Điều trị bệnh Parkinson hiệu quả bằng phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu

21/12/2021 16:10:00

Y học hiện đại đã có nhiều phương pháp điều trị có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng của người bệnh Parkinson, trong đó có phẫu thuật kích thích não sâu.

Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) tiếp nhận điều trị cho trường hợp người bệnh L.M.K. (60 tuổi, ngụ tại TPHCM), được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson từ 7 năm trước, hiện đang áp dụng điều trị thuốc lên đến 6 liều/ngày. Ông K. có biểu hiện run nặng, cứng chi ưu thế bên phải kèm theo đi lại khó khăn và sinh hoạt bất tiện (khó nói, cử động chậm chạp,…) Sau khi được thực hiện các xét nghiệm đánh giá và kiểm tra về thần kinh, tâm lý, ca bệnh được các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa và chỉ định phẫu thuật kích thích não sâu. Người bệnh hậu phẫu thuật được lưu lại theo dõi các biến chứng tại bệnh viện, hướng dẫn chăm sóc và tập luyện cải thiện chức năng. Trong quá trình tái khám định kỳ hàng tuần, ông K. được các bác sĩ chuyên khoa thần kinh điều chỉnh cường độ và vị trí phát xung thích hợp. Kết quả cho thấy biểu hiện loạn động được kiểm soát, triệu chứng run và cứng cơ cũng được cải thiện đáng kể.

Các Bác sĩ BV ĐHYD TPHCM thực hiện phẫu thuật kích thích não sâu cho người bệnh.


Điều trị kích thích não sâu đối với bệnh Parkinson

TS BS. Nguyễn Minh Anh – Trưởng khoa Ngoại thần kinh BV ĐHYD TPHCM cho biết, phẫu thuật kích thích não sâu (KTNS) là một phương pháp điều trị ngoại khoa ít xâm lấn đối với bệnh Parkinson. Phương pháp nảy được Cơ quan Kiểm soát Thuốc và Dược phẩm của Hoa Kỳ chứng nhận vế mức độ an toàn từ năm 1997.

KTNS phát huy hiệu quả trong việc giảm rối loạn vận động, giúp cải thiện các triệu chứng điển hình của bệnh Parkinson như: run, đơ cứng, loạn động, dao động vận động,… Ngoài ra, khi áp dụng điều trị kích thích não sâu làm cho các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn để tiết chế liều thuốc cũng như giảm được các tác dụng của thuốc.

Theo TS BS. Trần Ngọc Tài – Phó trưởng khoa Thần  kinh, Trưởng Đơn vị Rối loạn vận động BV ĐHYD TPHCM, phẫu thuật KTNS không phải là một phương pháp chữa lành bệnh mà thiên về cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Thêm vào đó, KTNS sẽ ít giúp ích đối với các triệu chứng ngoài vận động (mất trí, trầm cảm, táo bón…) hoặc những biểu hiện như nói khó, đông cứng dáng đi, mất phản xạ tư thế…

Các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật KTNS khi người bệnh được đã được chẩn đoán đúng bệnh Parkinson, có hiệu quả với thuốc uống và có các biến chứng (dao động bật-tắt, loạn động múa lắc) hoặc tác dụng phụ do thuốc gây ra. Người bệnh được khuyến cáo dưới 75 tuổi và đã có tiền sử bệnh từ 5 năm. Tuy nhiên, phương pháp này lại không được chỉ định cho người bệnh bị sa sút trí tuệ nặng, loạn thần nặng.

Lưu ý trước và sau phẫu thuật KTNS

Theo TS BS. Nguyễn Minh Anh, giai đoạn chuẩn bị trước phẫu thuật KTNS đóng vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Ngoài việc được Bác sĩ tư vấn cụ thể rõ ràng và chuẩn bị tốt về tâm lý, người bệnh cần cân nhắc về nơi điều trị. Cơ sở y tế có khả năng đánh giá toàn diện và chuyên môn để thực hiện phẫu thuật KTNS cần hội tụ đủ nhóm điều trị rối loạn vận động bao gồm các chuyên khoa: Phục hồi chức năng, Tâm thần kinh, Nội thần kinh và Phẫu thuật thần kinh. Thêm vào đó, các cơ sở y tế cần có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc xét nghiệm, kiểm tra và thực hiện phẫu thuật.

Quy trình phẫu thuật đòi hỏi phải lên phương án kỹ lưỡng trước khi tiến hành và người bệnh cần được theo dõi sát sao sau khi được cấy ghép thiết bị vào cơ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ rủi ro xảy ra được ghi nhận khá thấp và người bệnh có thể yên tâm với mức độ an toàn của phương pháp KTNS.

BV ĐHYD TPHCM là một trong những cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa sâu về Thần kinh, giúp chẩn đoán chính xác, đánh giá tình trạng của người bệnh một cách toàn diện. Thế mạnh trong phối hợp đa chuyên khoa của Bệnh viện giúp mang lại phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh có chỉ định phẫu thuật KTNS. Bên cạnh đó, Bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, cần thiết cho quá trình phẫu thuật (máy CT, MRI, C-arm; bộ dụng cụ định vị; bộ ghi điện não và kích thích trong mổ; thiết bị vi điện cực dẫn đường…) nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người bệnh. Sau phẫu thuật, người bệnh được lên kế hoạch theo dõi, lập chương trình KTNS để điều chỉnh cường độ máy cũng như liều lượng thuốc một cách phù hợp nhất, giúp cải thiện các triệu chứng một cách rõ rệt. Người bệnh cũng được hướng dẫn thực hiện các bài tập cải thiện chức năng vận động, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Các Bác sĩ BV ĐHYD TPHCM thực hiện phẫu thuật kích thích não sâu cho người bệnh.


TS BS. Trần Ngọc Tài chia sẻ, sau phẫu thuật người bệnh cần tránh các liệu pháp như bấm huyệt, xoa bóp vùng cổ và vươn cổ quá mức. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh các thiết bị điện theo chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, người bệnh vẫn phải áp dụng điều trị thuốc theo đúng liều lượng được yêu cầu và đến tái khám đầy đủ để được điều chỉnh thích hợp. Kết hợp với chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, người bệnh Parkinson sau điều trị kích thích não sâu sẽ có những cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống.

Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về các phương pháp điều trị bệnh Parkinson, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TPHCM phối hợp cùng đơn vị tài trợ chính Công ty Boehringer Ingelheim Vietnam cùng các đơn vị tài trợ: Công ty Medtronic và Công ty TNHH Tràng Thi thực hiện Chương trình tư vấn Sống khỏe – Sẻ chia với chủ đề Phương pháp điều trị bệnh Parkinson, theo dõi tại: https://bit.ly/phuongphapdieutriparkinson

Với sự tư vấn của TS BS. Trần Ngọc Tài và TS BS. Nguyễn Minh Anh, chương trình cung cấp những thông tin y khoa hữu ích về diễn tiến bệnh Parkinson, phương pháp điều trị và đặc biệt là những lưu ý về điều trị KTNS ở người bệnh Parkinson.

Các tin đã đăng