Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2022) - Mắt cười nơi góc lặng

16/02/2022 15:27:00

Trong những ngày đầu tiên, ngay sau khi Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM được khẩn trương thành lập, tôi vẫn thường đi dạo quanh các khu hậu cần lúc nửa đêm về sáng để xem thử có gì trục trặc không. Guồng máy thì vừa thiết lập khẩn cấp chưa trơn tru, đồng bộ mà công suất thì vượt gấp nhiều lần thiết kế nên luôn có những vấn đề nảy sinh cần giải quyết ngay lập tức. Hầu như lần nào cũng vậy, khi đi qua căn phòng giao nhận quần áo vải, tôi đều thấy một bóng dáng lặng lẽ cần mẫn, đắm mình trong công việc. Những công việc tay chân nặng nhọc ở nơi có cường độ làm việc vào bậc nhất.

Tôi lặng lẽ đứng bên. Giật mình, cái bóng lặng lẽ ấy ngước nhìn:

-  Ôi, con chào Bác!

Và một nụ cười tỏa rạng. Tôi không nói sai. Đúng đó là một nụ cười. Một nụ cười lấp lánh từ ánh mắt. Trong những ngày này, đặc biệt ở tuyến cuối này, người ta không còn thấy được nụ cười trên môi bởi sự thường trực của những chiếc khẩu trang. Nhưng đôi mắt thì khác. Tôi đã nhìn thấy nhiều đôi mắt biết cười - nụ cười của tâm hồn chứ không đơn thuần chỉ là sự co giãn của một nhóm cơ mặt nào đó. Trong đêm sâu, giữa núi công việc bộn bề, nụ cười của Phát dường như hai đốm lửa đủ làm ấm lòng người đối diện.

Hộ lý Nguyễn Tấn Phát trong một lần di chuyển mẫu bệnh phẩm.


Phát tốt nghiệp trung cấp y sĩ ở Bến Tre và sau đó xin vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM làm việc với vai trò của một hộ lý trong khi vẫn tiếp tục chương trình cử nhân điều dưỡng của mình. Tôi đã để ý đến nụ cười, tình yêu công việc và sự tận tụy trong mỗi động tác của em từ khi còn làm chung ở Trung tâm Tim mạch. Dịch đến, Phát đi vào bệnh viện dã chiến. Trung tâm Hồi sức Covid-19 được thành lập, em lại cũng là người đầu tiên đến đóng chốt nơi đây, một mình với hàng núi công việc có tên và không tên, trong sự phân công và cả ngoài nhiệm vụ. Chưa bao giờ tôi nghe một tiếng phàn nàn. Thay vào đó là lời xin lỗi, tin nhắn cảm ơn và ánh cười nồng hậu trong đôi mắt ấy.
 

Hộ lý Nguyễn Tấn Phát đang vệ sinh dép đi trong khu buồng bệnh Hồi sức Covid-19

Nhìn cách Phát chăm chút cho công việc, người đối diện sẽ dễ dàng cảm nhận rõ rằng trong từng động tác ấy, không chỉ là sự chuẩn chỉnh của quy trình mà cả một tấm lòng tử tế vì đồng nghiệp, vì bệnh nhân. Hỏi chuyện, Phát chỉ cười thật hiền, dĩ nhiên vẫn là ánh cười bằng mắt, như muốn nói “con chỉ cố gắng làm tốt nhất có thể để chăm lo cho mọi người thôi”. Chưa bao giờ em có một tin nhắn bực dọc vì những chểnh mảng của người khác mà những sai sót đó làm Phát phải nhọc nhằn hơn gấp bội phần.

Người ta có thể tính bao nhiêu người được xuất viện, bao nhiêu ca bệnh nguy kịch được cứu sống, những nụ cười tươi rói khi xuất viện nhưng không biết được chỉ tính riêng ở “Mặt trận phía Tây thành phố” này thôi, đã có mấy chục nghìn bô nước tiểu; bao nhiêu nghìn bô phân; bao nhiêu nghìn tã giường vấy máu, vấy đàm bẩn; bao nhiêu nước mắt cùng mồ hôi của những chiến sĩ thầm lặng đã chảy xuống. Một một cuộc đời được cứu sống ở tuyến cuối này được đánh đổi bằng rất nhiều đêm trắng, bằng mồ hôi, bằng những nếp nhăn hằn sâu trong phiên trực, bằng những bước chân vội vã, bằng những bữa cơm nuốt vội. Và những tôn vinh, những tri ân thường hướng đến những người chăm sóc trực tiếp, là bác sĩ, là điều dưỡng, là những kỹ thuật tân kỳ. Điều đó hoàn toàn đúng và xứng đáng.

Tuy nhiên, sẽ không đủ khi xã hội quên đi những đóng góp thầm lặng trong một góc phòng phát quần áo, bên vòi nước đánh dép, trong từng nhát chổi lau. Tôi biết, những con người thầm lặng ấy hoàn toàn quên mình để vui chung niềm vui của đồng đội, hoàn toàn quên mình để ngưỡng mộ người khác. Họ không đòi hỏi gì cho mình. Tuy nhiên, nếu không có những thầm lặng, những bền bỉ nồng ấm tình người ấy, liệu những chiến binh áo trắng có thể toàn tâm toàn ý trong cuộc chiến với tử thần hay không. Tôi là một thầy thuốc. Tôi biết chắc là không.


Và cũng không ít lần suýt ngã lòng trước những thất bại, tôi lại lặng lẽ đứng quan sát Phát và đồng đội. Cái từ trường tử tế toát ra từ mỗi động tác bình dị ấy và cái lấp lánh trong đôi mắt biết cười kia lại cho tôi một niềm tin vào công việc của mình, vào đồng nghiệp và đồng đội của mình để rồi lại dấn lên bước vào cuộc chiến vì sự sống mong manh mà quý giá của đồng bào mình.

Hộ lý Nguyễn Tấn Phát vệ sinh  buồng bệnh tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-9 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM


Hỏi Phát hết dịch em có dự định gì. Dạ con muốn có một đêm văn nghệ. À. Để Phát bốc cháy với bài “Quăng tao cái boong” chứ gì? Vẫn lấp lánh ánh cười hiền sau đôi mắt kính.

Rồi sau đó? Dạ. Con sẽ hoàn thành chương trình cử nhân điều dưỡng. Đúng ra giờ này là xong rồi mà dịch nên tất cả đều hoãn lại hết.

Ừ. Hết dịch. Ai cũng đợi ngày hết dịch. Ngày ấy, sẽ có nhiều điều thay đổi. Phát sẽ đạt được giấc mơ cử nhân điều dưỡng. Em sẽ thôi không làm công việc của một hộ lý nữa. Nhưng làm gì, ở đâu thì vẫn hãy nuôi giữ những ánh cười trong đôi mắt, dẫu ngày ấy, chiếc khẩu trang sẽ được gỡ xuống.

Và đến giờ phút này, Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – UCICC đã đi qua 6 tháng 6 ngày và hoàn thành sứ mệnh với thành phố, với ngành và với đồng bào mình để trở về với công việc chuyên môn tại Bệnh viện. Phát đã đi qua những tháng ngày bi tráng và rực rỡ của mình cùng đồng đội. Những giọt mồ hôi thầm lặng rơi xuống nơi tuyến lửa sẽ kết tinh thành những hồi ức lấp lánh. Tôi vẫn tin chắc một điều rằng nụ cười hiền nơi góc lặng của Phát sẽ mãi rạng ngời. Chúc Phát cùng đồng đội của mình sẽ giữ mãi những kỷ niệm đẹp về những tháng ngày khốc liệt vừa qua và tiếp tục tiến bước trên đại lộ dẫn hướng về tương lai.
 
PGS TS BS. Lê Minh Khôi - Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Các tin đã đăng