Yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và cách phòng ngừa đau thắt ngực nhồi máu cơ tim

31/03/2022 20:12:00

Cơn đau thắt ngực đột ngột, dữ dội và kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm liên quan tim mạch, có thể gây đột tử, như nhồi máu cơ tim cấp. Hiểu về yếu tố nguy cơ từ đó phòng ngừa hiệu quả ảnh hưởng của chứng đau thắt ngực là yếu tố quan trọng giúp người bệnh tránh các biến chứng nguy hiểm này.
 
TS BS. Trần Hòa khám cho người bệnh.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) gần đây tiếp nhận điều trị cho người bệnh Nguyễn Văn H. (30 tuổi, ngụ tại TPHCM), nhập viện vì có một cơn đau tức vùng ngực sau xương ức, có cảm giác nghẹn và khó thở xuất hiện khi nghỉ. Anh H. cho biết, từ 6 tháng nay, thường bị đau thắt ngực khi vận động mạnh, tần suất đau thắt ngực ngày càng tang. Lần này cơn đau nhiều hơn và kéo dài khiến anh không thể chịu nổi nên phải vào cấp cứu. Tại cấp cứu, sau khi khám và làm một số xét nghiệm, anh H. được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim cấp và yêu cầu thực hiện chụp động mạch vành cấp cứu. Kết quả là động mạch vành phải của anh bị hẹp hơn 90% kèm theo nhiều huyết khối mới trong lòng mạch. Anh H. nhanh chóng được điều trị bằng phương pháp can thiệp mạch vành qua da, đặt 1 stent vào chỗ động mạch bị hẹp, đồng thời kê toa thuốc điều trị. Trong đó có thuốc chống đông máu - thuốc rất quan trọng trong bệnh lý nhồi máu cơ tim. Sau can thiệp, người bệnh hết đau ngực, khả năng gắng sức cải thiện và nhanh chóng hồi phục.


Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây đau thắt ngực

TS BS. Trần Hòa – Phó trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch BV ĐHYD TPHCM cho biết, đau thắt ngực là một dấu hiệu của bệnh lý động mạch vành. Theo nhiều nghiên cứu thống kê, bệnh động mạch vành là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới cao hơn hẳn các bệnh lý khác như nhiễm trùng, bệnh lao, ung thư…

Cơn đau thắt ngực được chia thành 2 nhóm chính: ổn định và không ổn định. Trong đó, đau thắt ngực ổn định là những cơn đau xuất hiện khi người bệnh gắng sức, làm việc nặng hoặc căng thẳng, stress tâm lý. Khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc dãn mạch sẽ làm giảm cơn đau. Cơn đau có thể kéo dài vài phút, vài lần trong ngày, hoặc vài ngày vài tuần mới xuất hiện một lần.

Mặt khác, đau thắt ngực không ổn định là những cơn đau xuất hiện bất cứ lúc nào, ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi, cơn đau kéo dài trên 20 phút, mức độ dữ dội, có thể kèm theo nhiều triệu chứng khác như khó thở, vã mồ hôi, choáng váng, buồn nôn, ngất… Cơn đau không giảm ngay cả khi người bệnh ngưng gắng sức và dùng thuốc dãn mạch. Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng cấp cứu, có thể đe dọa tính mạng người bệnh, cần đến bệnh viện sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim (do bệnh mạch vành cấp), rối loạn nhịp tim gây ngưng tim hoặc đột tử.

Nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày càng càng có nhiều người bệnh trẻ tuổi cũng xuất hiện bệnh động mạch vành. Cơ thể có các động mạch vành để nuôi tim, nhồi máu cơ tim cấp là do sự tắc nghẽn một trong số các động mạch này, làm cho vùng cơ tim phía dưới mạch máu bị tổn thương, hoại tử và chết đi. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng tắc nghẽn mạch máu nuôi tim là do một mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành bị tróc ra, tạo thành những cục máu đông làm nghẽn mạch máu”.

ThS BS. Nguyễn Công Thành - Khoa Tim mạch can thiệp BV ĐHYD TPHCM cho biết, các yếu tố nguy cơ dẫn đến đau thắt ngực cũng như bệnh động mạch vành chia làm hai nhóm. Thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thay đổi được gồm: người nhà có tiền sử bệnh tim mạch; người lớn tuổi (nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi); nam giới dễ bị nhồi máu cơ tim hơn nữ giới. Thứ hai là nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm: hút thuốc lá; bệnh béo phì; người có lối sống thiếu vận động thể lực; tăng huyết áp, rối loạn lipid trong máu (mỡ máu cao); đái tháo đường. Người càng có nhiều yếu tố nguy cơ, nguy cơ bị đau thắt ngực cũng như bệnh mạch vành càng cao. Các yếu tố trên khiến người bệnh bị xơ vữa động mạch, hẹp động mạch vành dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp.

Điều trị và phòng ngừa đau thắt ngực một cách hiệu quả

Theo ThS BS. Nguyễn Công Thành, điều trị cơn đau thắt ngực do bệnh động mạch vành sẽ cần áp dụng kết hợp các phương pháp điều trị bằng thuốc và điều chỉnh chế độ sinh hoạt. Trong trường hợp người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao, các thủ thuật can thiệp để tái thông động mạch vành sẽ được áp dụng tùy thuộc vào mức độ phát triển của bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh với thức ăn ít cholesterol, ít muối. Tăng cường các loại rau, trái cây, ngũ cốc. Cần có chế độ tập luyện lành mạnh: tăng cường vận động để cải thiện lưu thông hệ tuần hoàn. Tùy theo khả năng gắng sức, có thể chọn các bài tập nhẹ nhàng, vừa phải như đi bộ nhanh, tập yoga, đạp xe đạp, bơi lội…, không hút thuốc lá, tránh thức khuya, căng thẳng stress tâm lý quá mức.

TS BS. Trần Hòa khuyến cáo, người có triệu chứng đau thắt ngực, đặc biệt là người có nhiều yếu tố nguy cơ cần đến bệnh viện để tầm soát bệnh động mạch vành. Riêng đối với những tình huống đau thắt ngực không ổn định, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để có thể tăng khả năng sống sót nếu nhồi máu cơ tim xảy ra.

Trường hợp của người bệnh Nguyễn Văn H. ở trên đã đề cập, dù được can thiệp đặt stent và điều trị hiệu quả, người bệnh vẫn còn nguy cơ tái phát rất cao. Chính vì thế, các bác sĩ khuyên người bệnh phải tuân thủ chế độ điều trị thuốc theo phác đồ, tái khám và thay đổi lối sống, đặc biệt là bỏ hẳn thuốc lá, tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn ít chất béo.

Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm xuất phát từ các cơn đau thắt ngực, BV ĐHYD TPHCM thực hiện chương trình tư vấn “Hiểu đúng – Sống khỏe” với chủ đề: “Yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và cách phòng ngừa đau thắt ngực", theo dõi tại:
https://bit.ly/nguycovacachphongnguadauthatnguc

Các tin đã đăng