Nhiều trẻ tự kỷ mất cơ hội hòa nhập do... COVID-19

21/04/2022 09:35:00

BSCKII. Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, kể từ khi TPHCM quay trở về cuộc sống bình thường mới, ông chứng kiến rất nhiều trường hợp trẻ tự kỷ đang điều trị bị gãy gánh giữa đường.

Một trường hợp khiến bác sĩ trăn trở là câu chuyện về bệnh nhi P.M.H. (6 tuổi, ngụ Bạc Liêu). Mẹ bé đưa con lên TPHCM, gửi bé vào một trường chuyên biệt rồi thuê nhà, kiếm việc làm gần trường để tiện chăm sóc con. Ba bé vẫn ở Bạc Liêu làm lụng, hằng tháng gửi tiền lên phụ giúp vợ. Bé H. được điều trị tâm lý và dạy các kỹ năng (một kèm một), hướng tới mục tiêu sẽ kịp hòa nhập và học lớp Một vào năm bảy tuổi.

Mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp, H. đã giao tiếp được, dự kiến sau khóa tiền học đường là có thể học chữ như bạn bè đồng trang lứa. Dịch COVID-19 ập đến, mẹ bé đưa con về quê, kẹt lại ở quê. Khi hết dịch, kinh tế gia đình trở nên quá khó khăn, chẳng còn đủ sức cho con quay lại trường chuyên biệt. Tại địa phương nơi gia đình H. sinh sống không có trường chuyên biệt cho trẻ tự kỷ.

Cách đây vài ngày, H. được mẹ đưa lên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám tâm lý để đánh giá lại tình trạng bệnh. Bác sĩ buồn, phụ huynh cũng buồn vì bao công sức, nỗ lực can thiệp trước đó cho bệnh nhi gần như đổ sông đổ biển.

“Cháu bé chỉ còn nhắc lại được rất chậm những từ đơn theo lời bác sĩ, không đối thoại được. Như vậy đồng nghĩa con sẽ không thể kịp vào lớp Một trong năm học sắp tới” - bác sĩ Minh chia sẻ.

Đối với bé H., cánh cửa trường học và tương lai về một nghề nghiệp tự nuôi sống bản thân lại thêm xa.
Bác sĩ đã khuyên cha mẹ bé H. dù không có điều kiện đưa con tới trường chuyên biệt và tái khám đều đặn vẫn cố gắng tự hỗ trợ ngôn ngữ cho con bằng những trò chơi; tìm cô giáo có kỹ năng tiền học đường và có kinh nghiệm với trẻ tự kỷ để giúp con... Nếu được hỗ trợ sớm (từ 18 tháng - 6 tuổi), trẻ sẽ được cải thiện về ngôn ngữ, đi học và trở thành người có ích cho xã hội.

Nhiều trẻ tự kỷ nhờ sự quan tâm kịp thời đã học được cấp I, cấp II, cấp III, thậm chí học nghề sau đó. Nếu trẻ tự kỷ bị gián đoạn hoặc không được can thiệp kịp thời đồng nghĩa đánh mất tương lai.

Trẻ tự kỷ bị khuyết tật về mặt xã hội, gặp khó khăn trong tương tác và giao tiếp, học hành (do chậm phát triển trí tuệ đi kèm), thậm chí còn bị tăng động giảm chú ý. Vì thế, trẻ cần sự hỗ trợ và can thiệp về y tế, giáo dục đặc biệt và xã hội. Khi dịch COVID-19 xảy ra, mọi sinh hoạt của trẻ em cũng theo đó mà bị “đóng cửa”. Trong khi đó, với trẻ tự kỷ, học cách tương tác và biểu hiện cảm xúc với người khác lại là yếu tố vô cùng quan trọng.

Bác sĩ Minh khuyến cáo phụ huynh, nếu thấy trẻ chậm nói so với tuổi, nhút nhát, ngại giao tiếp thì đưa con đi khám tâm lý để phát hiện sớm bệnh tự kỷ. Nếu phụ huynh không đủ điều kiện cho con theo học trường chuyên biệt, bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh cách tự hỗ trợ ngôn ngữ cho con ở nhà (được coi là giải pháp tình thế).

Chẳng hạn, để phát triển tư duy trừu tượng, bé nên chơi đồ hàng, tắm em bé, trò chơi bác sĩ… Những trò chơi phát triển ngôn ngữ là múa rối, thú nhồi bông… Cha mẹ cũng có thể hỗ trợ con cách bật âm và giữ âm bằng trò thổi bóng, thẩm âm bằng cách đọc truyện cho bé nghe; hỗ trợ kỹ năng tương tác cho trẻ bằng những trò chơi nhóm: đồ hàng, cờ cá ngựa…

Hãy nhớ rằng đối với trẻ tự kỷ, học nói quan trọng hơn cả học chữ. Trẻ có ngôn ngữ, có giao tiếp mới tiếp tục bước được trên con đường hòa nhập với trường học và xã hội.

Báo Phụ nữ: https://www.phunuonline.com.vn/nhieu-tre-tu-ky-mat-co-hoi...
👉 Để được tư vấn tâm lý, vui lòng đăng ký khám tại Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5.
- Lịch khám bệnh: https://bit.ly/lichphongkhamtamly
- Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://umc.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng: UMC- Đăng ký khám bệnh Online (App Store, Google Play). Xem hướng dẫn đặt lịch khám và thanh toán online tại: https://youtu.be/dUfIuh4tba8

Các tin đã đăng