Tự uống thuốc trị mất ngủ, "Cựu" F0 rơi vào trầm cảm

04/05/2022 15:15:00

Vừa gặp bác sĩ, có người bệnh bứt rứt, hồi hộp, có người tự ngồi khóc thút thít, hoặc muốn trốn… ai đó sắp làm hại mình. Các bác sĩ khuyên rằng, khi có các triệu chứng mất ngủ thì nên đi khám, tránh tự ý điều trị dẫn đến bệnh trầm trọng hơn.

Nhiều cảm giác tiêu cực khi mất ngủ kéo dài

Khỏi COVID-19 được bốn tháng, chị P.T.D. (33 tuổi, ngụ tại TPHCM) như trở thành một người khác, không còn năng động, thích nơi đông người, mà hay nóng nảy, cáu gắt, nhất là trưa nào chị cũng… chạy trốn mọi người. Một đồng nghiệp thân thiết của chị D. hỏi ra mới biết chị nghĩ nơi làm việc có người muốn hại mình.

Ngồi ngoài phòng đợi đến lượt khám, chị D. cứ khóc thút thít vì… nghĩ ai đó muốn giết mình. Sau thăm khám, bác sĩ biết được chị D. bị rối loạn giấc ngủ do hậu COVID-19 nhưng chị không hay biết. Chị D. kể: “Lúc khỏi COVID-19, tôi vẫn ngủ đúng giờ nhưng chập chờn không sâu như trước. Tôi chỉ nghĩ do nhiều việc quá nên mới khó chợp mắt bèn uống thảo dược để dễ ngủ.

Tuy nhiên, có những ngày tôi ngủ li bì và thức trắng đêm. Cho đến khi, tôi làm xong hết các hoạch định, mới biết thời gian qua mình ngủ được là nhờ thuốc ngủ mua thêm ngoài tiệm thuốc. Nhưng gần một tháng qua, dù có uống thuốc, tôi vẫn không thể ngủ”. Thức quá nhiều khiến chị D. căng thẳng, hồi hộp. Sau đó, chị lại có cảm giác ai đó đang rình rập trong nhà, theo dõi và muốn làm hại mình, nên càng không dám ngủ. Chị T. được chẩn đoán rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19, bệnh tiến triển nặng phải sử dụng thuốc để hỗ trợ điều trị.

Mất ngủ hậu COVID-19, đừng tự điều trị

ThS BS. Hoàng Đình Hữu Hạnh - Phụ trách Đơn vị Rối loạn giấc ngủ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, có hai tình huống trong rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19 bao gồm: rối loạn giấc ngủ đã xuất hiện trước khi một người trở thành F0 và rối loạn giấc ngủ xảy ra lúc người bệnh đã mắc COVID-19.
Trong tổng số người bệnh đến khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, có đến 20 - 25% bị mất ngủ kéo dài (nữ nhiều hơn nam), thậm chí có người không ngủ vì bất an, phải sử dụng thuốc điều trị.

Bác sĩ Hạnh chia sẻ: “Đặc biệt, khi biến chủng Omicron xuất hiện làm cho sự lo âu bị đẩy lên cao. Có nhiều người vừa bị một trong các triệu chứng ho, sốt hay đau rát họng, nhức đầu, liền hoang mang, không ngủ được vì sợ tái nhiễm. Nhất là người bệnh bị COVID-19 ở giai đoạn đỉnh điểm của dịch, người bệnh phải chịu đựng rất lâu, có người gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất”.

Hậu quả, nhiều người không thể làm việc, luôn ở trạng thái mệt mỏi, đau đầu, đánh trống ngực. Thậm chí, những người đã có rối loạn lo âu, mất ngủ trước đó có thể bị trầm cảm, loạn thần cấp, suy nghĩ tiêu cực, hoang tưởng tự làm hại bản thân. Quan trọng, nếu được phát hiện và điều trị sớm, các rối loạn này sẽ thoái lui. Điển hình tại bệnh viện, nhiều người bệnh mất ngủ cấp tính (dưới ba tháng) có khả năng hồi phục hoàn toàn khá cao. Riêng nhóm người bệnh mất ngủ hậu COVID-19 kéo dài trở thành bệnh mạn tính, hiệu quả điều trị thấp hơn.

Vì vậy, với một người trưởng thành nếu ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi ngày, cảm giác trằn trọc, lo lắng, khó vỗ giấc, tỉnh ngủ nửa đêm không thể ngủ lại được, người uể oải khi thức dậy… nên đến cơ sở y tế khám. Tuyệt đối không tự mua thuốc uống, lạm dụng các loại thuốc ngủ thuộc nhóm benzodiazepine dễ gây nghiện khiến bệnh trầm trọng hơn.

Báo Phụ nữ: https://www.phunuonline.com.vn/tu-uong-thuoc-tri-mat-ngu...

Để được tư vấn điều trị các vấn đề về giấc ngủ, vui lòng đăng ký khám tại Phòng khám Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5.

- Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://umc.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng: UMC- Đăng ký khám bệnh Online (App Store, Google Play). Xem hướng dẫn đặt lịch khám và thanh toán online tại: https://youtu.be/dUfIuh4tba

Các tin đã đăng