Trẻ kém hấp thu

16/09/2015 13:54:00

Trong thực tế các bậc cha mẹ có thể thấy con mình bị suy dinh dưỡng dù đã cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng cân bằng. Đây là thí dụ điển hình cho một loại bệnh lý được gọi là hội chứng kém hấp thu – tình trạng cơ thể không có khả năng hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng từ hệ tiêu hoá vào dòng máu.
 

Bình thường, quá trình tiêu hoá biến đổi các chất dinh dưỡng từ bữa ăn thành các đơn vị nhỏ hơn để qua được thành ruột và vào dòng máu. Từ máu, các chất dinh dưỡng này được vận chuyển đến các tế bào khác trong cơ thể. Khi ruột thiếu các men tiêu hoá cần thiết (bẩm sinh, mắc phải), hoặc khi bề mặt thành ruột bị tổn thương do tác nhân vi sinh (vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng), khả năng tiêu hoá và hấp thu dưỡng chất đều bị giảm. Các chất dinh dưỡng không được hấp thu này sẽ bị mất qua phân.
 

Nhận biết trẻ kém hấp thu dinh dưỡng: Các biểu hiện và hậu quả của tình trạng kém hấp thu kéo dài gồm: đau bụng, ói mửa kéo dài; phân lỏng hoặc sệt, nhiều lần, lượng nhiều, có mùi hôi thối; hay mắc các bệnh nhiễm trùng; giảm cân, giảm khối mỡ và cơ (trẻ gầy đi); dễ bị bầm da khi va chạm nhẹ; gãy xương; da khô, phát ban, nổi vảy; thay đổi tính khí, chậm lớn, chậm tăng cân.
 

Tìm nguyên nhân để có giải pháp phù hợp
Kém hấp thu chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng. Trẻ bị suy dinh dưỡng có thể do chế độ nuôi dưỡng không đủ lượng thức ăn, không đủ / không đúng loại thức ăn, hoặc trẻ có vấn đề về đường tiêu hoá khiến quá trình tiêu hoá và hấp thu gặp khó khăn. Các nguyên nhân này có thể xảy ra riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau. Trước khi đưa ra chế độ điều trị thầy thuốc cần xác định nguyên nhân cụ thể.
 

1. Trẻ nhiễm siêu vi đường ruột, nhất là trong những trường hợp nặng, có thể gặp tình trạng kém hấp thu trong 1 đến 2 ngày. Tình trạng kém hấp thu ít khi kéo dài lâu hơn do bề mặt niêm mạc ruột có khả năng hồi phục nhanh chóng. Do đó, kém hấp thu không đáng quan ngại trong những trường hợp này. Tuy nhiên, nếu tình trạng kém hấp thu kéo dài hơn, hoặc có từ 2 biểu hiện đã nêu trên, bạn cần đưa bé đến khám bác sĩ. Nếu lý do là nhiễm khuẩn, việc điều trị sẽ sử dụng kháng sinh phù hợp.
 

2. Ruột của trẻ hoạt động quá mức, trẻ có thể được cho thuốc để hạn chế lại tình trạng này, giúp chất dinh dưỡng có đủ thời gian để được hấp thu.
 

3. Trẻ trong tình trạng bất dung nạp đường lactose, trẻ cần tránh sử dụng các sản phẩm sữa chứa lactose. Trên thị trường hiện có nhiều loại sản phẩm dinh dưỡng phù hợp cho người bất dung nạp đường lactose, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng để chọn sản phẩm phù hợp.
 

4. Thừa hoặc thiếu một chất: Trong những trường hợp kém hấp thu không phải do bất thường dung nạp một loại thức ăn cụ thể, chúng ta cần lưu ý đến cơ cấu khẩu phần ăn sao cho cân đối, đa dạng. Việc thừa hoặc thiếu một loại chất cũng dẫn đến bất thường chuyển hoá, làm cho quá trình hấp thu các chất cũng thay đổi và rối loạn nặng thêm. Ví dụ, chế độ ăn thiếu kẽm (kẽm có nhiều trong tôm đồng, lươn, sò, cá chép, ...) dẫn đến chậm tiêu, buồn nôn, nôn, táo bón... Hoặc cha mẹ vì nôn nóng bổ sung thừa canxi cho trẻ dẫn đến kém hấp thu sắt (cần cho tạo máu), kẽm, gây táo bón, kém ăn.
 

5. Dị ứng thức ăn cũng là một nguyên nhân của kém hấp thu. Có suy nghĩ cho rằng phụ nữ có bệnh dị ứng cần tránh ăn những tác nhân gây dị ứng để phòng ngừa con mình mắc bệnh này. Tuy nhiên, nhìn chung vệc tránh các chất gây dị ứng lúc mang thai hoặc cho con bú không làm giảm nguy cơ trẻ bị dị ứng sau này. Thực ra, tránh ăn quá nhiều thứ thực phẩm cũng có thể gây hại vì trẻ sẽ không có đủ chất dinh dưỡng. Do đó, lời khuyên về chế độ ăn trong giai đoạn mang thai là có chế độ ăn cân bằng và đủ dinh dưỡng.
 

Cách phòng ngừa
Bạn cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng tuổi. Nếu vì lý do nào đó trẻ phải cai sữa mẹ trước 6 tháng tuổi, nên cho trẻ dùng sữa công thức thuỷ phân một phần. Trong loại sữa này protein đã được cắt thành những phân tử nhỏ hơn, giúp phòng ngừa dị ứng sau này ở trẻ có nguy cơ cao. Tuy nhiên, không nên dùng loại sữa này nếu trẻ dị ứng sữa bò – khi đó nên đưa trẻ khám bác sỹ. Ngoài ra, cho trẻ ăn thức ăn cứng trước 4 tháng tuổi cũng làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn sau này.
 

Tóm lại, kém hấp thu dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ. Cần xác định nguyên nhân của tình trạng này để có kế hoạch điều trị và chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp cơ thể trẻ bắt kịp với nhịp độ phát triển về thể chất và tinh thần.
 

TS.BS Lâm Vĩnh Niên
Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM

Các tin đã đăng