Chương trình tầm soát miễn phí bệnh thần kinh ngoại biên

12/10/2022 09:02:00


Từ ngày 10/10/2022 đến ngày 14/10/2022, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức chương trình tầm soát bệnh thần kinh ngoại biên miễn phí cho người bệnh đến khám tại Bệnh viện. Việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thần kinh ngoại biên sẽ mang đến cơ hội thay đổi ý nghĩa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tham gia chương trình, người bệnh sẽ được tầm soát bằng máy rung âm thoa và được tư vấn trực tiếp từ các bác sĩ chuyên môn nhiều kinh nghiệm trong điều trị đái tháo đường, bệnh thần kinh ngoại biên. 

Mời Quý người bệnh xem thêm về chương trình tại đây.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Phòng khám Nội tiết theo số điện thoại: 028 3952 7133
(giờ hành chính).



ThS BS. Đinh Ngô Tất Thắng - Khoa Nội tiết - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, bệnh thần kinh ngoại biên (TKNB) là rối loạn thần kinh ngoại biên hay gặp ở người bệnh đái tháo đường và thường ít được quan tâm. Ở nhiều nhiều quốc gia, nhận thức về bệnh TKNB còn thấp và chưa có hướng dẫn chẩn đoán rõ ràng. Chỉ có một số ít nghiên cứu dịch tễ học về tỷ lệ bệnh TKNB trong dân số nói chung. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển, các con số thay đổi đáng kể tùy thuộc vào nguồn dữ liệu.

Ngoài đái tháo đường, rượu bia, di truyền, dinh dưỡng kém, thiếu một số vitamin, bệnh phong, thuốc hóa trị… cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh TKNB.

Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên

Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên có thể rất đa dạng và đôi khi không được chú ý ở cả người bệnh và bác sĩ. TKNB có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh ngoại biên – hệ thống cảm giác hoặc vận động hoặc cả hai. Tùy thuộc vào loại bệnh thần kinh và các dây thần kinh bị suy yếu, các triệu chứng có thể khác nhau. Thông thường người bệnh chỉ đi khám khi phát hiện có tổn thương loét chân, một số vào viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng.

Triệu chứng cảm giác có thể bao gồm đau rát, ngứa ran và như dao đâm cũng như mất phản xạ, tê, dị cảm, không nhận biết các vết thương, các vết trầy xước.

Triệu chứng vận động thường biểu hiện như yếu, suy nhược cơ hoặc liệt. Ban đầu, người bệnh có thể than phiền là gặp khó khăn khi vặn chìa khóa, mở nút và mở chai, lọ.

Hay đi kèm triệu chứng thần kinh khác như đổ mồ hôi bất thường hoặc rối loạn chức năng bàng quang, tụt huyết áp khi thay đổi tư thế, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, v.v.

Bệnh thần kinh ngoại biên thường không được chẩn đoán

Đối với người bệnh, khó có thể nhận ra rằng họ đang mắc bệnh. Các triệu chứng cảm giác ban đầu như tê ngón tay hoặc ngón chân có thể dễ dàng bị bỏ qua. Người bệnh thường đến gặp bác sĩ khi các triệu chứng đã trở nên khó chịu và bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Trong một khảo sát gần đây, những người bệnh đái tháo đường ở Đông Nam Á đã mắc các triệu chứng đau thần kinh trong 1–2,4 năm trước khi khám bác sĩ. Ngoài ra, các bác sĩ có thể không có các công cụ chẩn đoán thích hợp.

Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử gia đình trong trường hợp mắc bệnh thần kinh di truyền và bất kỳ trường hợp tiếp xúc với chất độc hoặc thuốc, thời gian khởi phát và tiến triển của bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để đánh giá phản xạ, cảm giác (chạm nhẹ, cảm giác đau, nhiệt độ, rung động, khả năng cảm nhận cơ thể) và hệ thống vận động (bao gồm cả dáng đi). Mặc dù có nhiều công cụ chẩn đoán, nhưng rất khó để tìm ra một công cụ được chấp thuận chung. Một số công cụ có thể quá phức tạp và tốn thời gian tại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, một số công cụ khác lại hạn chế và không thể phát hiện bệnh lý thần kinh sợi nhỏ.

Ở những người bệnh không có triệu chứng, việc sàng lọc TKNB thường xuyên là điều cần thận trọng.

Tài liệu tham khảo:
1. Nix W. Muscle, nerves and pain. Berlin, Heidelberg: Springer-Verlag; 2017. 2. Malik RA, et al. Adv Ther. 2017;34: 1426–1437.

Các tin đã đăng