Quên mức nào thì thành bệnh?

24/11/2022 23:48:00

Rất nhiều người trẻ đang trong độ tuổi học tập và lao động gặp phải các phiền toái lớn vì chứng hay quên. Việc hay quên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đôi khi chỉ do áp lực căng thẳng nhưng cũng có thể báo hiệu một bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến não bộ.



Nguyên nhân nào gây ra chứng hay quên?

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ghi nhận nhiều trường hợp người trẻ đi khám vì mắc chứng hay quên. Theo BSCKII. Phạm Thị Ngọc Quyên - Khoa Thần kinh, chứng hay quên có thể xảy ra ngay tức thì trong thời gian ngắn hoặc kéo dài hơn, lặp đi lặp lại làm giảm hiệu quả làm việc, học tập và tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ khi lớn tuổi.

Khó ghi nhớ ở người trẻ là gợi ý của rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, lo âu hoặc khi một người phải thường xuyên đối diện với căng thẳng kéo dài. Ngoài ra, tâm trạng không tốt, sợ hãi hay lo âu cũng có thể làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ ở cả người trưởng thành lẫn trẻ em.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn chứng hay quên với bệnh Alzheimer. Alzheimer là bệnh lý thoái hóa thần kinh, thường gặp nhất trong nhóm sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, không phải cứ quên là bị Alzheimer. Quên còn có thể là biểu hiện sinh lý thông thường, không phải bệnh lý. Nếu quên do bệnh lý, đó là vì người bệnh bị suy giảm nhận thức.

Những bệnh lý gây ra tình trạng quên phải kể tới là bệnh lý mạch máu não (mạch máu nuôi não bị ảnh hưởng), viêm não. Ngoài ra, suy gan, suy thận gây ra các độc tố làm tổn thương não; tác dụng phụ của thuốc; tình trạng thiếu vitamin B12; rối loạn lo âu, trầm cảm… cũng là bệnh lý khiến chúng ta hay quên.

Trong những yếu tố nguy cơ của bệnh quên, có một số khắc phục được và một số không khắc phục được. Nhóm không khắc phục được là yếu tố gia đình, tuổi tác... Nhóm thay đổi được là phụ nữ ở giai đoạn hậu sản (sức khỏe suy giảm, người mẹ nghỉ ngơi không đủ dẫn tới khả năng tập trung kém), người uống rượu nhiều (rượu hại não, tương tác một số loại thuốc làm giảm khả năng lưu trữ trí nhớ), người bệnh suy thận, suy giáp, rối loạn lo âu, trầm cảm. Những người bệnh thuộc nhóm này chỉ cần điều trị dứt điểm các căn nguyên kể trên thì chứng hay quên cũng tự động mất đi.

Khi nào cần đi khám?

Đó là lúc chính bản thân hoặc bạn bè, gia đình bạn nhận ra hệ lụy từ việc quên gây ra. Bên cạnh đó, nếu trong gia đình có người thân bị sa sút trí tuệ, bạn cũng nên đi khám nếu thấy mình có dấu hiệu giảm trí nhớ. Ngoài ra, người bệnh bị tai biến mạch máu não, người cứ lặp đi lặp lại một câu hỏi nhiều lần, đi lạc đường nhiều lần ở nơi rất quen thuộc, xuề xòa trong ăn mặc, trục trặc trong giao tiếp (gặp vấn đề khi tìm kiếm từ ngữ lúc nói chuyện)… cũng nên đi khám chứng hay quên.

Bác sĩ Quyên khuyến cáo, khi có dấu hiệu báo động kể trên, bạn hãy tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán, xác định căn nguyên của vấn đề nhằm có giải pháp phù hợp. Nếu chứng hay quên liên quan tới lối sống, giải pháp tốt nhất là tạo thói quen đi bộ nhanh 40 phút mỗi ngày, chơi cờ, học ngoại ngữ, đọc sách, học các kỹ năng mới, tham gia nhiều hoạt động giao tiếp xã hội, ngủ đủ giấc, lập thói quen làm việc theo thời gian biểu… Các hoạt động đó sẽ giúp cải thiện sự tập trung.

Nếu nghi ngờ bản thân mắc chứng hay quên, hãy xem lối sống của bạn có phù hợp, được sắp xếp ổn thỏa hay chưa. Từ đó, bạn sẽ nhận biết mình quên là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan và kịp thời đi khám, điều trị.

Báo Phụ nữ: https://www.phunuonline.com.vn/quen-co-nao-thi-thanh-benh...

👉 Để được thăm khám các vấn đề về trí nhớ, vui lòng đăng ký khám tại Phòng khám Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5.

- Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại hotline 1900 2115, https://umc.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng: UMC- Đăng ký khám bệnh Online (App Store, Google Play). Xem hướng dẫn đặt lịch khám và thanh toán online tại: https://youtu.be/dUfIuh4tba8.

Các tin đã đăng