Món khoái khẩu nhưng đừng ăn nhiều

17/09/2016 11:39:00

Đây là khuyến cáo của bác sĩ đến các nàng, các chị mê món cóc lắc, xoài lắc vì ăn nhiều có hại cho sức khỏe.
 


Xoài lắc là món ăn vặt ưa thích của nhiều bạn trẻ, nhưng các bác sĩ khuyến cáo đừng ăn nhiều - Ảnh: DUYÊN PHAN
 

Ba tháng trước, trào lưu ăn các món xoài lắc, cóc lắc... nở rộ ở TP.HCM cũng là lúc chị Đ.T.N.P. (29 tuổi) bắt đầu ăn thử món xoài lắc.
 

Mới ăn, chị P. đã tấm tắc khen ngon và chia sẻ món ăn mới này với những đồng nghiệp trong phòng. Sau khi ăn món này vài lần, cả phòng chị P. quyết định hùn tiền để mua ăn vào các buổi chiều làm việc.
 

Ghiền xoài lắc đến...đau bụng
Để thuận tiện, một nhân viên trong phòng đã lên mạng chọn nơi cung cấp xoài lắc đến tận cơ quan. Từ hôm đó trở đi, hầu như ngày nào đại diện phòng chị P. cũng gọi điện thoại đặt 5 hộp xoài lắc (giá 100.000 đồng). Hôm nào lỡ quên không đặt, mấy chị em trong phòng đều than thở vì “nhớ” món ăn này. Thỉnh thoảng, phòng chị P. còn gọi thêm cả món “cóc lắc”.
 

Tuy nhiên, sau hơn một tháng ăn quá nhiều xoài lắc, cóc lắc, chị P. xuất hiện triệu chứng đau bụng, phải nằm xuống mới đỡ. Lo lắng, chị P. đến bệnh viện khám và bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cho biết chị bị viêm dạ dày do ăn quá nhiều xoài lắc, cóc lắc...
 

Bác sĩ khuyên chị P. phải ngưng ăn các món này và khi chị không ăn nữa thì khoảng một tháng sau chị không bị đau bụng nữa.
 

Anh T. D., 32 tuổi, ở TP.HCM, có tiền căn bị viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích nên bác sĩ đã căn dặn kiêng chua, cay để tránh gây kích thích dạ dày. Một ngày, thấy nhiều đồng nghiệp mải mê ăn món xoài lắc và nhìn món ăn này rất hấp dẫn nên anh D. nghĩ chắc ăn một chút sẽ không sao.
 

Tuy nhiên, mới ăn món này cơ thể anh đã có phản ứng lại ngay. Anh cảm thấy rất xót bụng, đau, ợ chua và bị tiêu chảy hai ngày. Sau lần này, anh D. không dám ăn những món liên quan đến muối, ớt nữa, tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ.
 

Gây viêm loét dạ dày, tổn thương thận
Theo TS.BS Lâm Vĩnh Niên - trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, thận là cơ quan chủ yếu giải quyết lượng muối dư thừa trong cơ thể. Khi muối tích lũy trong cơ thể, cơ thể phải giữ nước lại để pha loãng, dẫn đến tăng thể tích dịch quanh tế bào, tăng thể tích máu. Điều này có nghĩa tim phải tăng tải làm việc, mạch máu chịu áp lực nhiều hơn.
 

Theo thời gian, áp lực quá tải dẫn đến thành mạch chai cứng và gây tăng huyết áp, cơn đau tim và đột quỵ. Đã có bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối gây tổn thương tim, động mạch, thận dù chưa làm tăng huyết áp và ăn nhiều muối cũng có hại cho xương.
 

BS Niên lưu ý những người có bệnh tăng huyết áp, suy tim, bệnh thận... cần chú ý đến lượng muối ăn vào. Và ngay cả người bình thường cũng chỉ nên ăn muối với lượng vừa phải theo quy định.
 

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng muối ăn hằng ngày đối với người lớn là 5 gam (1 muỗng cà phê gạt), trong đó 2 gam từ thực phẩm tự nhiên, 3 gam từ gia vị (muối, bột ngọt, bột nêm, nước mắm).
 

Ngoài ra, những người mắc bệnh tim mạch, gan, thận...cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
 

Còn bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết gia vị chua, cay kích thích dịch tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng cho người ăn.
 

Tuy nhiên, trong ớt có chất capsaicin nên nếu ăn nhiều quá chất này có thể kích thích, gây ra những cơn đau dạ dày, cơn đau trào ngược thực quản.
 

Chưa kể, khi ăn các món ăn có chất cay quá nhiều, chất cay này sẽ tấn công, phá vỡ lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày nên dễ gây ra viêm loét dạ dày.
 

TS.BS Lâm Vĩnh Niên lưu ý thêm rằng ớt có thể làm tổn thương cơ quan nhận biết vị giác ở lưỡi, về lâu dài gây mất cảm giác ngon miệng. Và ớt có thể làm xấu hơn tình trạng viêm loét dạ dày ở người đã có bệnh.
 

Những người bệnh trĩ hoặc viêm đại tràng kích thích cũng nên tránh dùng ớt. Những người bệnh đang dùng thuốc chống đông cũng nên tránh dùng ớt vì ớt làm giảm tác dụng của các loại thuốc này.
 

THÙY DƯƠNG
Theo http://tuoitre.vn/

Các tin đã đăng