Làm sao để tăng độ an toàn trong điều trị cho người bệnh

02/05/2017 10:42:00

 An toàn cho người bệnh là một mặt quan trọng trong chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù tất cả các chuyên gia y tế đều tán thành nguyên tắc “Trước hết không làm tổn hại đến người bệnh”, nhưng thỉnh thoảng người bệnh vẫn bị tổn hại do hành động trực tiếp hoặc gián tiếp của nhân viên y tế. Báo cáo của Viện Y học (IOM, 2000) có nhan đề “Con người thường dễ gây ra các sai sót” tính mức độ thiệt hại do những sai sót đó, như thiệt hại thu nhập, mất khả năng lao động, và chi phí chăm sóc sức khỏe khoảng 29 tỉ đôla mỗi năm, chưa kể đến những tổn thất sâu sắc do mất người thân.

Như vậy, làm cách nào để giảm thiểu sai sót y khoa từ đó đảm bảo an toàn cho người bệnh?
 
  1. Phòng ngừa thụ động: khi có sự cố sai sót xảy ra, thực hiện phân tích nguyên nhân đến tận gốc rễ nhằm tìm ra nguyên nhân thật sự gây ra sự cố sai sót để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Việc này cần được tiến hành ngay sau khi sự cố xảy ra. Một đội dự án (hoặc tổ chuyên trách) được thành lập để tiến hành điều tra. Đội này gồm những người chứng kiến sự cố và những người thuộc về chuyên môn của qui trình.

Để phát hiện ra được nguyên nhân gốc rễ (root causes analysis - RCA), đội đặt ra những câu hỏi “tại sao” cho mỗi yếu tố nguyên nhân. Thí dụ như tại sao phòng khám không gửi bản xác nhận lại lịch mổ như yêu cầu? Tại sao người điều dưỡng không kiểm tra lại thủ tục bằng cách đọc lại bệnh sử và báo cáo khám lâm sàng của người bệnh? Tại sao mọi người không dừng lại để xác nhận lại cho chắc chắn vai trò của phẫu thuật khi người bệnh tỏ ra bối rối về phẫu thuật mà ông hay bà ta sắp được thực hiện? Tai sao điều dưỡng phụ trách công tác vệ sinh lại không chú ý đến cái dấu vị trí phẫu thuật đánh trên gối phải của người bệnh trước khi đắp tấm vải phủ lên? Các câu hỏi tiếp tục được đặt ra cho đến khi đội dự án phát hiện ra được các vấn đề về hệ thống tàng ẩn bên dưới các yếu tố nguyên nhân. Một sự cố thường có bốn căn nguyên. Nếu đội phát hiện hơn 4 nguyên nhân, nên tiếp tục nghi vấn cho đến khi các nguyên nhân cơ bản lộ rõ. Khi căn nguyên của sự cố được xác định, thì đội dự án sẽ xây dựng giải pháp để ngăn chặn sự cố tái diễn.

   2.  Phòng ngừa chủ động:

Phương pháp phân tích kiểu thất bại và các hệ quả (Failure Mode and Effects Analysis- FMEA) là một kỹ thuật đánh giá rủi ro chủ động bao gồm kiểm tra chặt chẽ một qui trình để xác định có cần phải cải thiện để làm giảm nguy cơ xảy ra sự cố có hại hay không. Người ta cần quan tâm đến 3 câu hỏi sau khi làm FMEA:
  • Sai sót ra sao?
  • Hậu quả sẽ ra sao nếu sai sót xảy ra?
  • Cần làm gì để ngăn chặn những hậu quả đó khi sai sót xảy ra?
 
Nguy cơ tiềm tàng có thể xảy ra ở bất kì giai đoạn nào của một qui trình. Mục tiêu của dự án FMEA là tìm ra những nguy cơ này và điều chỉnh qui trình để giảm nguy cơ sai sót.
Dự án FMEA được thực hiện bởi đội ngũ những người có kinh nghiệm với qui trình được nghiên cứu, thực hiện các hoạt động và biết sai sót có khả năng xảy ra ở đâu. Đội dự án FMEA cũng có thể bao gồm cả những người không có kinh nghiệm với qui trình dự định để có thể nghe được từ họ các quan điểm khác biệt.

Hiểu rõ qui trình là bước đầu tiên của dự án FMEA. Đội dự án xây dựng một lưu đồ để có thể hình dung từng bước của qui trình. Kế tiếp, đội dự án tiến hành phân tích những nguy cơ, cùng động não để xây dựng một danh sách tất cả các nguy cơ có thể xảy ra trong mỗi bước. Sau khi đã phát hiện kiểu thất bại hay sai sót trong từng bước, đội dự án xác định mức độ của từng kiểu thất bại để ưu tiên loại bỏ chúng. Những thất bại với điểm số cao nhất được xem là thất bại nghiêm trọng cần phòng tránh nhất. Khi đã xác định được các thất bại nghiêm trọng, đội dự án cần xác định căn nguyên để có thể phòng tránh chúng. Sau đó lập kế hoạch hành động mà đội dự án có thể dùng để cùng động não tìm ra những cách thay đổi qui trình để hạn chế nguy cơ thất bại, giúp nhân viên làm việc đúng, cũng như phát hiện và điều chỉnh sai sót trước khi làm tổn hại đến người bệnh.

FMEA và RCA không sử dụng riêng rẽ để cải thiện độ an toàn trong qui trình chăm sóc người bệnh. Thí dụ như mô hình FMEA có thể được sử dụng để đánh giá nguy cơ tiềm ẩn cho bất kì một qui trình nào, thì việc phân tích nguyên nhân đến tận gốc rễ có thể được sử dụng để điều tra nguyên nhân của bất kì sai sót nào trong qui trình.

Đưa người bệnh tham gia vào qui trình cải thiện an toànNăm 2003, Diễn đàn Chất lượng Quốc gia (là một diễn đàn của quốc tế, tiến hành hàng năm) đã kêu gọi thêm nhiều nghiên cứu về nâng cao vai trò của người bệnh trong việc giảm thiểu nguy cơ gánh chịu các sai sót y khoa. Từ đó, ngày càng có nhiều nghiên cứu khuyến cáo người bệnh và gia đình người bệnh có thể trở thành những người bảo vệ trong hệ thống y tế (Spath, 2008). Sau đây là một số biện pháp để người bệnh có thể tự bảo vệ mình trong thời gian điều trị ở bệnh viện:
  • Quan sát hoặc yêu cầu nhân viên y tế kiểm tra thông tin người bệnh trước khi tiến hành điều trị
  • Luôn mang theo danh sách về bệnh sử, các phương pháp điều trị hiện tại, tiền sử quá mẫn, và chia sẻ danh sách này với nhân viên y tế lúc nhập viện
  • Biết bao lâu phải thay băng và yêu cầu ai thay băng
  • Biết chủng loại, liều lượng và tần suất sử dụng thuốc; yêu cầu nhân viên y tế giải thích đơn thuốc để chắc chắn là đúng; nếu sai, yêu cầu nhân viên y tế xem lại
  • Quan sát hoặc hỏi xem nhân viên y tế đã rửa tay chưa
  • Giám sát việc lau chùi các thiết bị và làm vệ sinh môi trường xung quanh, báo cáo khi phát hiện vấn đề
  • Phải được hướng dẫn về lợi ích của việc thay đổi tư thế trên giường bệnh và yêu cầu được thay đổi tư thế nếu không được thực hiện
  • Yêu cầu giúp đỡ khi ra khỏi giường, hoặc yêu cầu phương tiện trợ giúp (ví dụ như: gậy hoặc khung tập đi)
  • Xác nhận rằng nhân viên y tế biết y lệnh của bác sĩ
  • Hỏi về các thiết bị y tế để hiểu ý nghĩa của những âm thanh hoặc tiếng ồn lạ bất thường, để báo ngay cho nhân viên y tế biết khi thấy xuất hiện
Tóm lại, nhân viên y tế phải trao đổi với người bệnh và thân nhân về các mặt của qui trình điều trị và khuyến khích họ nêu những quan ngại về vấn đề an toàn.

Kết luận

Trong nhiều năm qua, các cơ sở y tế chủ yếu trông mong vào nhân viên trong việc thực hiện nhiệm vụ một cách chuẩn xác để tránh cho người bệnh những tổn hại không cố ý. Sau nhiều thập niên nghiên cứu, chủ yếu là từ các ngành khác, người ta đã chứng minh được rằng hầu hết các tai nạn xảy ra do nhân viên tuy có năng lực nhưng lại bất cẩn trong một hệ thống không hiệu quả.

An toàn cho người bệnh chỉ là một mặt trong chất lượng chăm sóc sức khỏe, song lại nhận được sự quan tâm từ những nhà quản lý vĩ mô, những người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và những tổ chức kiểm định. Trong đó, hai mô hình cải tiến là FMEA và RCA, thường được sử dụng để giảm thiểu nguy cơ sai sót nghiêm trọng. Tăng cường vai trò của người bệnh trong việc cải thiện an toàn đang trở thành một đóng góp quan trọng cho những nỗ lực quản trị chất lượng ở các cơ sở y tế..

 TS Lê Nguyễn Thùy Khanh

Các tin đã đăng