Đục thủy tinh thể bẩm sinh

18/09/2018 13:53:00

Dẫn nhập

 Nhiều người nghĩ rằng đục thủy tinh thể chỉ gặp ở người già, nhưng thực ra ở trẻ con vẫn có thể có chứng bệnh này. Bệnh có thể xuất hiện từ lúc trẻ mới sinh (hay còn gọi là đục thể thủy tinh bẩm sinh) hoặc trong quá trình trẻ lớn lên (hay còn gọi là đục thể thủy tinh trẻ em). Có khoảng 0,4% số trẻ sinh ra bị đục thủy tinh thể bẩm sinh hay sớm xuất hiện.
Ở người lớn, đục thủy tinh thể xảy ra sau khi mắt đã phát triển và hoàn chỉnh chức năng thị giác. Phần lớn những người này vẫn giữ được thị giác tốt sau khi thủy tinh thể đục được lấy bỏ và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo hay còn gọi là kính nội nhãn. Trong khi đó ở trẻ con, mắt còn tiếp tục phát triển cho đến 8-10 tuổi, các đục thủy tinh thể nếu không được điều trị sớm sẽ có thể bị những hậu quả lâu dài về thị giác. Nhưng nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị ngay thì có thể đề phòng giảm thị giác vĩnh viễn do nhược thị ở trẻ em bị đục thủy tinh thể.

Đa số đục thủy tinh thể bẩm sinh phải cần đến phẫu thuật để lấy bỏ thủy tinh thể đục. Một số nhỏ không phải mổ là các trường hợp thủy tinh thể chỉ bị đục ở phần ngoại vi không ảnh hưởng đến thị giác trung tâm, hoặc trong trường hợp các chấm mờ đục rất nhỏ không làm cản trở hoặc phân tán các tia sáng gây méo mó hình ảnh trên võng mạc .
 
 

Các hình thái đục thủy tinh thể bẩm sinh thường gặp:
  • Đục thủy tinh thể cực trước nằm ở phần trước của thủy tinh thể mắt và được cho là thường hay kết hợp với các đặc điểm di truyền.
  • Đục thủy tinh thể cực sau xuất hiện ở phần sau của thủy tinh thể mắt và thường có ranh giới rõ.
  • Đục nhân thủy tinh thể xuất hiện ở phần trung tâm của thủy tinh thể, và là loại hay gặp nhất của đục thủy tinh thể bẩm sinh.
  • Đục thủy tinh thể lấm tấm xanh da trời thường thấy ở cả hai mắt của trẻ và phân biệt bằng các chấm nhỏ màu xanh xanh trong thủy tinh thể. Điển hình, loại này không gây ra vấn đề gì về thị giác. Đục thủy tinh thể xanh da trời dường như có xu hướng di truyền.
Nguyên nhân của đục thủy tinh thể bẩm sinh

Đục thủy tinh thể ở người lớn thường kết hợp với các quá trình lão hóa. Nhưng đục thủy tinh thể bẩm sinh xảy ra ở trẻ sơ sinh là do nhiều nguyên nhân bao gồm: các xu hướng di truyền, nhiễm trùng, các vấn đề chuyển hóa, đái tháo đường, chấn thương, viêm và các phản ứng thuốc.
Lấy thí dụ, các kháng sinh tetracycline dùng điều trị các nhiễm trùng cho phụ nữ mang thai đã được chứng minh là gây ra đục thủy tinh thể cho các trẻ sơ sinh.

Đục thủy tinh thể cũng có thể gặp ở trẻ sơ sinh khi người mẹ mang thai mắc các bệnh nhiễm trùng như sởi, sởi Đức (rubella), bệnh rubeola, thủy đậu, cytomegalovirus (CMV), herpes simplex, herpes zona, bệnh bại liệt trẻ em, bệnh cúm, bệnh do virut Epstein-Barr, giang mai và toxoplasmosis.
Trong đục thủy tinh thể bẩm sinh, có tới 33% trường hợp bị bỏ sót lúc mới đẻ.
Trong đục thủy tinh thể bẩm sinh do di truyền và một số các dạng khác, các bất thường có thể xảy ra trong sự tạo ra các proteins cần thiết để duy trì sự trong suốt của thủy tinh thể.
 
Phát hiện sớm và điều trị nhanh chóng
 
Thủy tinh thể của mắt phải trong suốt để tập trung tiêu điểm của các hình ảnh nhìn thấy lên trên võng mạc, sau đó truyền thông tin lên não. Đục thủy tinh thể có thể ngăn cản ánh sáng đi tới võng mạc và làm phân tán các tia sáng khi chúng đi qua đám mờ, làm méo mó hình ảnh trên võng mạc.
Nếu không được điều trị thích hợp, đục thủy tinh thể trẻ con có thể gây ra các kết nối bất thường giữa não và mắt. Các kết nối này một khi đã hình thành là không thể đảo ngược.

Đục thủy tinh thể trẻ con có thể được phát hiện sớm nếu được khám tầm soát cẩn thận lúc mới sinh.

Để phát hiện bệnh sớm, một thử nghiệm quan trọng là soi ánh đồng tử được sử dụng trong đánh giá mắt của trẻ mới sinh và trong mọi thăm khám sau đó. Bác sĩ khám dùng một kính soi đáy mắt rọi lần lượt vào hai mắt của bé, trong buồng tối, ánh sáng của kính soi đi qua các môi trường quang học của mắt vào đến võng mạc thì phản chiếu trở lại và đi vào lỗ của kính soi, để lại hình ảnh trong mắt bác sĩ soi. Ở trẻ bình thường: tia phản chiếu từ hai mắt có màu đỏ và có tính chất đối xứng. Các trường hợp không bình thường: có các điểm tối trong tia phản chiếu, tia phản chiếu yếu, tia phản chiếu màu trắng, các tia phản chiếu không đối xứng. Các bất thường này có thể do: có dịch nhầy hay dị vật trong màng nước mắt, các đục của giác mạc, đục thủy dịch, các bất thường của lỗ đồng tử, đục thủy tinh thể, đục dịch kính, và các bất thường của thủy tinh thể, mống mắt, hay võng mạc (các u hay các dị tật của mắt trẻ sơ sinh). Trong đục thủy tinh thể bẩm sinh, chúng thường được ghi nhận là không có hoặc có một tia phản chiếu không đều màu đỏ.

Một lưu ý là không bỏ sót các trường hợp đồng tử trắng ở trẻ em, vì đây có thể là một trường hợp đục thủy tinh thể quá chín hoặc một bất thường khác của nhãn cầu đặc biệt là bệnh ung thư nguyên bào võng mạc – một căn bệnh nguy hiểm có thể gặp ở trẻ em. Khi phát hiện đồng tử trắng ở một hoặc hai mắt cần đưa trẻ đến ngay các trung tâm mắt chuyên sâu để được điều trị càng sớm càng tốt.
 
Chiến thuật điều trị dài hạn

Điều trị đục thủy tinh thể trẻ con thay đổi tùy theo hình thái và độ nặng của mờ đục. Ở đại đa số trẻ con là phải mổ lấy bỏ thủy tinh thể đục. Không như người lớn với các con mắt đã phát triển về mặt giải phẫu và chức năng, mổ cho trẻ con phải có các dụng cụ mổ và kỹ thuật thích ứng. Trong tay phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, kết quả mổ lấy bỏ thủy tinh thể thường là an toàn. Các nguy cơ hay gặp nhất là tăng nhãn áp thứ phát, phản ứng viêm sau phẫu thuật và bong võng mạc.

Cho đa số trẻ em, việc chẩn đoán phát hiện bệnh sớm và một cuộc phẫu thuật thành công chỉ mới là bước đầu của quá trình phục hồi mắt. Bước tiếp theo phải là hiệu chỉnh các kết nối giữa mắt và não. Điều này bao gồm việc huấn luyện các con mắt để làm sao tập trung được vào một điểm cho phù hợp.

Sau phẫu thuật cắt bỏ thủy tinh thể đục, trẻ thường cần phải phối hợp với: hoặc cấy một thấu kính nhân tạo vào mắt (thấu kính nội nhãn) ngay trong lần mổ đầu, hoặc đặt các kính áp tròng, hoặc đeo kính gọng. Ở các nước phương Tây, người ta sử dụng nhiều nhất là các kính áp tròng, dùng các kính rộng vừa vặn với bề mặt của giác mạc mắt để dễ cho việc chăm sóc và thao tác; người trong gia đình được huấn luyện có thể tự mình làm cho những đứa bé nhỏ hoặc rất nhỏ khi chúng đang ngủ.

Nếu chứng nhược thị hay giảm sức nhìn xuất hiện, trẻ có thể phải dùng đến phương pháp tập che mắt. Cách điều trị này là che bên mắt mạnh hơn để kích thích thị giác bên mắt yếu hơn.

Những đứa bé được điều trị đúng thời điểm và được theo dõi tốt sẽ có tiên lượng tốt. Muốn thành công phải mất một số năm để có được sự phục hồi thị giác thích hợp cho cá nhân từng người.
 
Khi nào đứa bé phải mổ lấy bỏ thủy tinh thể?
 
Có nhiều ý kiến về thời điểm mổ đục thủy tinh thể cho đứa bé vì có liên quan đến các biến chứng như tăng nhãn áp mà có thể dẫn đến mất thị lực do glô-côm. Glô-côm sau phẫu thuật đục thủy tinh thể ở trẻ nhỏ được ghi nhận là gặp rất nhiều. Biến chứng này có thể xảy ra sớm ở giai đoạn ngay sau phẫu thuật hoặc xuất hiện muộn hơn sau nhiều thập niên. Glô-côm xảy ra sớm sau phẫu thuật thường do nghẽn đồng tử hoặc dính mống trước, trong khi đó thì glô-côm góc mở xảy ra muộn hơn, đòi hỏi phải theo dõi hậu phẫu lâu dài ở trẻ. Cũng vậy, việc sử dụng gây mê để mổ cho những đứa bé quá nhỏ có thể gặp những điều không an toàn.

Ngoài ra, phẫu thuật thủy tinh thể để cho mắt đủ độ trong suốt đảm bảo cho sự phát triển bình thường của hệ thị giác ở đứa bé.

Một khi đã có quyết định phẫu thuật để lấy thủy tinh thể bị đục, có hai vấn đề tiếp theo cần được giải quyết là: khi nào thực hiện phẫu thuật và trong lần mổ đầu này có nên đặt thấu kính nội nhãn hay không. Thông thường bệnh nhi càng nhỏ thì cần phải phẫu thuật càng sớm do nguy cơ gây nhược thị do ức chế thị giác. Để thị giác trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phát triển tối ưu, các trường hợp đục thủy tinh thể đáng kể gây ảnh hưởng đến trục thị giác ở một mắt nên được phẫu thuật trước 6 tuần tuổi, ở hai mắt nên được phẫu thuật trước 10 tuần tuổi. Đối với trẻ lớn hơn bị đục thủy tinh thể hai mắt, phẫu thuật được khuyến cáo thực hiện khi mức độ thị giác không đáp ứng được nhu cầu thị giác của trẻ.

Về các phương pháp được dùng để hiệu chỉnh độ khúc xạ của mắt sau mổ lấy bỏ thủy tinh thể đục, có những quan niệm rất khác nhau tùy theo từng điều kiện và hoàn cảnh.

Việc cấy một thấu kính nhân tạo vào mắt ngay sau khi lấy bỏ thủy tinh thể đục cũng có những bất lợi như: độ hội tụ của thấu kính rất ít khi phù hợp với độ khúc xạ thật của mắt, mắt vẫn tiếp tục lớn lên và làm thay đổi độ khúc xạ của mắt theo thời gian… Các biện pháp hiệu chỉnh có thể là: mổ lại đặt thấu kính nội nhãn khác, thay kính áp tròng, thay đổi kính gọng.
 
Một phát minh mới: Các tế bào gốc giúp cho những đứa trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh nhìn thấy rõ
 
Thứ tư, Tháng Ba, 2016 – Tạp chí Nature đăng tải một phát minh của Kang Zhang, người Trung Quốc, Giám đốc sáng lập Viện Y học Hệ Gien thuộc Đại học California, San Diego, nghiên cứu trên loài vật và 12 trẻ em bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, sử dụng tế bào gốc có tự nhiên trong mắt để tái sinh thành một thấu kính thủy tinh thể trong suốt; kỹ thuật mới này là một thay đổi triệt để giúp cho những đứa bé đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể nhìn được một cách bình thường mà không phải cấy thấu kính nhân tạo nội nhãn.

Chừng nào có được các thông tin cập nhật và các bài báo tin cậy khác nữa, chúng tôi sẽ có dịp trở lại với vấn đề này.
 
Các đục thủy tinh thể và các vấn đề khác về thị giác
 
Nếu không có can thiệp sớm, các đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ gây ra chứng nhược thị hay ‘mắt lười’. Tình trạng này về sau có thể dẫn đến các vấn đề khác của mắt thí dụ như chứng giật nhãn cầu, lác mắt (lé mắt), và không thể nhìn chăm chú vào các đồ vật.
Các vấn đề này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng đọc, cá tính và ngay cả dáng vẻ bề ngoài, tác động sâu sắc đến đứa bé suốt đời. Con bạn phải được khám mắt đều đặn, càng sớm càng tốt sau khi đứa bé được sinh ra.
 
Phẫu thuật Đục thủy tinh thể Bẩm sinh
 
Một số vấn đề cần được lưu ý trước mổ
 
  • Ở người lớn, phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể chậm lại một số năm mà không mấy ảnh hưởng đến khả năng nhìn. Ở trẻ con, nếu đục thủy tinh thể không được lấy bỏ trong năm đầu đời thì thị giác không thể nào tốt lại được một cách hoàn hảo sau phẫu thuật.
  • Ở người lớn, nếu đã được mổ lấy bỏ thủy tinh thể (tức tình trạng không còn thủy tinh thể) mà không được hiệu chỉnh ngay thì vẫn có thể làm muộn hơn. Ở trẻ nhỏ, nếu lấy bỏ thủy tinh thể mà không được hiệu chỉnh sớm thì thị giác sẽ chẳng bao giờ phục hồi lại được một cách bình thường.
  • Trẻ con rất ít khi bị đục thủy tinh thể, nhưng khi bị lại thường hay đi kèm với một vài bệnh toàn thân khác. Đa số các bệnh này hiếm thấy và thông thường chúng ta không biết đâu là nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể. Ngay ở các nước giàu có, người ta cũng không tìm được căn nguyên cho đa số các trường hợp đục thủy tinh thể ở trẻ con.
Không có ích lợi gì khi cho làm nhiều các khám nghiệm hay nhiều các nghiên cứu cho tất cả trẻ con bị đục thủy tinh thể. Tốt hơn là hỏi tỉ mỉ bố mẹ các cháu về tình hình bệnh của bé và thân nhân, hỏi về các bệnh hay các thuốc người mẹ dùng khi mang thai, và xác định xem đứa bé có phát triển bình thường không.
  • Khi đứa trẻ lớn lên, các nhu cầu về thị giác sẽ ngày một tăng. Thí dụ, một đục thủy tinh thể nhẹ có thể không cản trở việc chơi ở bên ngoài nhà cho đứa bé lên 4, nhưng sẽ trở thành vấn đề ở nhà trường khi đứa bé tập đọc ở tuổi 6 - 7. Nhớ rằng khi lấy bỏ thủy tinh thể đục ở đứa trẻ thì cũng đồng thời loại bỏ luôn khả năng điều tiết mắt của nó, cho nên việc từng bước khôi phục khả năng điều tiết mắt là điều phải được đặc biệt quan tâm.
  • Mặc dù phẫu thuật đục thủy tinh thể cho trẻ con phải được tiến hành càng sớm càng tốt nhưng nếu như có một lưỡng lự nào đó về chỉ định của phẫu thuật thì vẫn có thể trì hoãn thêm một ít thời gian, không sợ sẽ xảy ra một tổn thất nghiêm trọng nào đó cho bé. Khi chúng lớn thêm, khám xét thị giác sẽ dễ hơn để có quyết định chính xác hơn về việc mổ hay không mổ.
    
Phẫu thuật
 
Mổ đục thủy tinh thể cho trẻ em rất khác với mổ cho người lớn. Phẫu thuật đòi hỏi gây mê toàn thân. Có thể kèm theo các bất thường của tim và các nơi khác. Con mắt trẻ con cũng khác xa con mắt người lớn.
Thủy tinh thể trẻ con không có một nhân cứng bên trong, do đó có thể lấy bỏ toàn bộ thủy tinh thể chỉ bằng cách hút.
 
Lấy thể thủy tinh không đặt kính nội nhãn

Ở trẻ em lấy thể thủy tinh không đặt thấu kính nội nhãn, phẫu thuật được thực hiện qua vết mổ nhỏ ở vùng rìa tức là phần dẹt của thể mi trong lớp mạch mạc mắt bằng dụng cụ cắt dịch kính (hay đầu cắt dịch kính). Đây là vùng an toàn đi vào nhãn cầu trong phẫu thuật dịch kính, ít chảy máu, không có tế bào cảm thụ của võng mạc. Dịch tưới hút có thể được cung cấp qua một ống dẫn tích hợp hoặc bằng một đường riêng biệt. Không cần dùng năng lượng siêu âm để tán nhuyễn thủy tinh thể như ở người lớn do vỏ và nhân thủy tinh thể ở trẻ em thường mềm. Việc quan trọng là phải lấy hết vỏ thủy tinh thể bởi vì các tế bào biểu mô thủy tinh thể ở trẻ em có xu hướng tăng sinh trở lại.

Do hiện tượng đục bao sau xảy ra nhanh chóng ở trẻ nhỏ, việc cắt bao sau và cắt dịch kính trước (tức dịch kính phần trước) được thực hiện chủ động. Kỹ thuật này cho phép thiết lập một trục thị giác trong suốt giúp thực hiện soi bóng đồng tử, chỉnh kính và theo dõi điều trị sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể. Nếu có thể nên chừa lại một viền bao thủy tinh thể ở chu biên nhằm tạo thuận lợi cho việc đặt thấu kính nội nhãn trong một thì tiếp theo ở hậu phòng sau này.
 
Lấy thể thủy tinh và đặt thấu kính nội nhãn

Thấu kính nội nhãn là một mảnh mềm làm bằng chất liệu acrylic được dùng phổ biến trong phẫu thuật thủy tinh thể ở trẻ em, kính loại này có thể đặt vào mắt qua đường mổ nhỏ 3 mm ở rìa giác mạc hoặc đường hầm củng mạc. Nếu kính nội nhãn được đặt vào cùng thời điểm phẫu thuật lấy thủy tinh thể, hai kỹ thuật cơ bản có thể được sử dụng để lấy thủy tinh thể phụ thuộc vào việc có giữ nguyên vẹn bao sau hay không. Nhiều phẫu thuật viên nhãn nhi giữ nguyên vẹn bao sau nếu đánh giá bệnh nhi có khả năng hợp tác để thực hiện mở bao sau bằng laser YAG nếu sau mổ xảy ra đục bao sau (thường từ 5 tuổi trở lên). Đối với trẻ nhỏ hơn thì thường phải cắt bao sau thì đầu lúc phẫu thuật lấy thể thủy tinh. Các nghiên cứu cho rằng ở trẻ em hiện tượng đục bao sau xảy ra trung bình từ 18 đến 24 tháng sau phẫu thuật, nhưng khoảng thời gian này có thể thay đổi đáng kể.

Vấn đề Cấy thấu kính nội nhãn trong phẫu thuật
 
Ở trẻ con, cần phải hiệu chỉnh càng sớm càng tốt tình trạng không còn thủy tinh thể sau phẫu thuật. Một lựa chọn là cấy một thấu kính nội nhãn ngay khi mổ lấy bỏ thủy tinh thể đục. Không may là điều này không đơn giản. Khi mới sinh, thủy tinh thể gần với hình cầu nhiều hơn so với người lớn. Ở trẻ con, mắt có độ hội tụ khoảng 30 D, bù cho trục mắt ngắn hơn. Độ hội tụ giảm xuống còn khoảng 20-22 D ở tuổi lên 5. Điều này có nghĩa là một thấu kính nội nhãn cung cấp cho đứa bé một cái nhìn gần bình thường lúc đầu nhưng sẽ dẫn đến một độ cận thị đáng kể khi đứa bé lớn lên. Về sau sẽ càng phức tạp thêm, vì các thay đổi trong khả năng hội tụ của giác mạc và vì trục của nhãn cầu dài thêm ra. Những thay đổi này là nhanh nhất trong vài năm đầu đời khiến cho hầu như không thể dự đoán được đúng cường độ của thấu kính cho mọi bé.

Cấy thấu kính nội nhãn đã trở nên gần như thường qui cho những đứa bé lớn hơn, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi đối với các bé trẻ hơn, nhất là các bé dưới hai tuổi.
 
Chăm sóc sau mổ
 
Ở trẻ con, phẫu thuật chỉ mới là bước đầu của một chặng đường dài điều trị và điều này cần được nhấn mạnh ngay từ đầu.
 
Độ khúc xạ
Ưu tiên đầu tiên là hiệu chỉnh tình trạng không còn thủy tinh thể và phải được làm càng sớm càng tốt. Ở các xứ giàu, kính áp tròng được sử dụng rộng rãi, có thể thay kính dễ dàng. Hoặc đặt một thấu kính nội nhãn ngay trong phẫu thuật, hoặc dùng kính gọng bổ sung cho số sai lệch còn lại của khúc xạ. Độ khúc xạ cần được kiểm tra đều, ít nhất là mỗi 6 tháng cho đến trưởng thành.
 
Chứng nhược thị
Đa số trẻ em bị đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ bị giảm sức nhìn, tức nhược thị. Mổ lấy bỏ thủy tinh thể đục và hiệu chỉnh tình trạng không còn thủy tinh thể sẽ giúp khôi phục độ sáng rõ của hình ảnh nhưng não vẫn cần phải học cách nhìn, và điều này cần có thời gian. Trường hợp thị giác không được khôi phục tốt, bé có thể bị các hậu quả như: nhược thị, rung giật nhãn cầu, lác mắt (lé mắt).
Thường thì một bên mắt sẽ tốt hơn mắt kia và mắt nhìn tốt hơn sẽ là mắt được ưa thích, làm cho mắt kia bị nhược thị. Nguy cơ của nhược thị lớn nhất trong năm đầu đời và giảm nhanh chóng sau tuổi lên năm. Điều trị bằng cách tập che phía bên mắt được ưa thích.
 
Các biến chứng
 
Các biến chứng thường gặp ở trẻ đã lấy thủy tinh thể rất khác biệt với người lớn. Bong võng mạc, phù hoàng điểm và bất thường ở giác mạc thường rất hiếm gặp ở trẻ em. Tần suất của nhiễm trùng hậu phẫu và xuất huyết có vẻ như tương đương với người lớn. Ở trẻ em, tật lác mắt rất thường gặp đi kèm với đục thủy tinh thể. Nguy cơ glô-côm  tăng lên ở trẻ phẫu thuật càng nhỏ và glô-côm thường xảy ra sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể nhiều năm.

 

Viêm màng bồ đào. Viêm màng bồ đào sau phẫu thuật là biến chứng thường gặp do phản ứng mô mạnh hơn ở người lớn. Điều này có thể dẫn đến hình thành dính mống sau gây nguy cơ trít đồng tử, mống phồng và hậu quả là glô-côm góc đóng thứ phát. Ở mắt trẻ em đã được đặt kính nội nhãn, sự hình thành dính mống sau và phản ứng viêm có thể làm tăng tỉ lệ tăng sinh của tế bào biểu mô thủy tinh thể phía trước và sau.

 
Đục bao sau. Hầu như mọi đứa trẻ không cắt mở bao sau về sau đều bị biến chứng này. Các phương pháp điều trị có thể là: mở bao sau với laser Nd:YAG thường khó ở trẻ em và tỉ lệ thất bại cao, đòi hỏi phải mổ cắt bao sau và phần trước dịch kính bằng dụng cụ cắt dịch kính.
 
Glô-côm. Glô-côm sau phẫu thuật đục thể thủy tinh ở trẻ nhỏ được ghi nhận là gặp rất nhiều. Biến chứng này có thể xảy ra sớm ở giai đoạn ngay sau phẫu thuật hoặc xuất hiện muộn hơn sau nhiều thập niên. Tỉ lệ glô-côm sau phẫu thuật thủy tinh thể ở trẻ em thay đổi từ 3 % đến 32 % . Glô-côm xảy ra sớm sau phẫu thuật thường do nghẽn đồng tử hoặc dính mống trước, trong khi đó thì glô-côm góc mở xảy ra muộn hơn, đòi hỏi phải theo dõi hậu phẫu lâu dài ở trẻ. Việc cắt mống chu biên có thể giúp giảm tình trạng glô-côm do nghẽn đồng tử ở mắt có đặt thấu kính nội nhãn.
 
Bong võng mạc. Hiếm gặp nhưng là một biến chứng đe dọa thị lực nghiêm trọng sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể ở trẻ em. Tần suất của bong võng mạc sau phẫu thuật thể thủy tinh vào khoảng 1 đến 1,5%. Đây là một biến chứng muộn của phẫu thuật thủy tinh thể ở trẻ em. Các yếu tố nguy cơ quan trọng của biến chứng bong võng mạc sau phẫu thuật thủy tinh thể là cận thị nặng và thực hiện phẫu thuật nhiều lần. Việc thực hiện cắt bao sau và cắt dịch kính trước không phải là yếu tố nguy cơ. Tỉ lệ bong võng mạc có thể tăng lên khi có các bất thường khác kèm theo như tồn tại mạch máu phôi thai.

 
Các thuât ngữ chuyên môn Việt-Anh sử dụng trong bài viết: cắt bỏ thủy tinh thể / lensectomy; dụng cụ cắt dịch kính / vitrector; dụng cụ giữ độ sâu tiền phòng / anterior chamber maintainer; đục nhân thủy tinh thể / nuclear cataracts; đục thủy tinh thể lấm tấm xanh da trời / cerulean cataracts; kính áp tròng / contact lens; kính gọng / spectacles, glasses; mắt lười / lazy eye; lớp mạch mạc mắt (màng bồ đào) / uvea (vascular tunic); nhược thị / amblyopia; phần dẹt thể mi / pars plana of ciliary body; rạch mở bao / capsulotomy; rạch mở bao trong lần mổ đầu / primary capsulotomy; rạch mở bao theo kiểu mở nắp hộp / a standard can-opener capsulotomy; rạch vỡ bao / rhexis; rung giật nhãn cầu / nystagmus; soi ánh đồng tử / red reflex testing; tán nhuyễn thủy tinh thể / phacoemulsification; tập che mắt / patching; (tình trạng) không còn thủy tinh thể / aphakia;  thấu kính nội nhãn / intraocular lens – IOLs; thể mi / ciliary body; ung thư nguyên bào võng mạc / retinoblastoma; viêm lớp mạch mạc (viêm màng bồ đào) / uveites; vùng lưới bè / trabecular meshwork.
 
Nguồn: ThS BS Hồng Văn Hiệp

Các tin đã đăng