'Anh đưa thẻ em cà cho'

15/06/2019 09:02:00

Thấy vẻ lúng túng, cô nhân viên bảo tôi: "Anh đưa thẻ ATM em cà cho". Tôi cầm thẻ mà không biết cô ấy sẽ lấy tiền từ trong thẻ của mình ra bằng cách nào?
 

Cà thẻ là đã trả tiền, rất tiện lợi - Ảnh minh họa của QUANG ĐỊNH

Tôi cá là nhiều người sẽ bật cười khi đọc câu chuyện về những câu chuyện để chuyển từ tiền mặt sang dùng thẻ cà của mình.

Thật lòng, hơn 10 năm sống ở một trong những thành phố hiện đại, sôi động nhất nước nhưng quả thật, tôi chỉ mới làm quen với khái niệm ngồi một chỗ thanh toán hoặc trả tiền dịch vụ mà không đụng đến cái bóp của mình cách đây độ hơn một năm mà thôi. Tôi vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt cho đến một ngày.

Độ hơn một năm trước, tôi đi làm nội soi ở bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Sau khi làm các thủ tục giấy tờ hành chính xong, tôi được nhân viên xuống quầy đóng tiền để chuẩn bị lên nội soi.

Đến lúc móc ví ra trả tiền thì ôi thôi, trong ví của mình không đủ tiền do tối hôm trước đưa tiền để vợ đóng tiền học cho con "cạn" mất rồi. Đầu tôi đã nghĩ đến phương án chạy ra cây ATM để rút tiền, nhưng ngặt nỗi nó cũng ở khá xa trong khi tôi còn phải xếp hàng để nội soi.

Thấy vẻ lúng túng, cô nhân viên bảo tôi: "Anh đưa thẻ ATM em cà cho". Tôi cầm thẻ mà không biết cô ấy sẽ lấy tiền từ trong thẻ của mình ra bằng cách nào? Kể đến đây, chắc mọi người biết tôi "nhà quê" cỡ nào rồi chứ?

Sau lần ấy, nói thật, tôi lại đâm ra ỉ lại vào chiếc thẻ, thanh toán cái gì cũng làm bộ hỏi "ở đây có cà thẻ không?

Sau đợt ấy, tôi về tìm hiểu các "công năng" khác của chiếc thẻ nhựa, rồi vào ngân hàng đăng ký dịch vụ internet banking, các dịch vụ trích nợ tự động,… Kể tới đây, tôi lại muốn chia sẻ với câu chuyện của gia đình mình.

Số là việc thanh toán tiền điện, tiền nước,… trong gia đình tôi đều uỷ quyền cho vợ thực hiện. Thế nhưng, nhiều lần về thấy giấy "nhắc nợ" lần 2, lần 3 với lời cảnh báo "ngưng cấp điện".

Tôi đã nhắc, thậm chí cáu gắt với vợ vì để bị nhắc nợ hoài rất ngại. Thế nhưng, vấn đề đã không được giải quyết triệt để, thỉnh thoảng giấy nhắc nợ vẫn dắt ở khe cửa trước nhà.

Cho đến khi, tiền điện, nước được ngân hàng trừ đều đặn trong tài khoản vợ chồng tôi mới bảo nhau: biết thế này mình đăng ký sớm đỡ mất công cự nhau.

Từ ngày biết đến những giao dịch không cần móc ví, tôi càng để ý những tiện ích mà nó mang lại. Giữa tháng 4 rồi, tôi sắm cái latop mới, thay vì đếm tiền mặt, tôi chuyển khoản qua quét mã QR đã được giảm ngay 500.000 trực tiếp theo chương trình của các đơn vị dịch vụ bán hàng liên kết.

Các giao dịch khác như trả nợ, đóng tiền điện thoại, mừng đám,… tôi đều "ngồi một chỗ" để thao tác trên điện thoại. Người hưởng ké nhiều nhất có lẽ là em tôi. Nó là thuỷ thủ tàu viễn dương, mỗi lần cần nạp tiền điện thoại hay cần gì nhắn thì chỉ mấy giây sau đã được giải quyết thay vì phải chờ tàu cập bến mất thời gian như trước đây.

Sau khi "thành thạo" các tiện ích thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt, mỗi lần có dịp tôi lại "vận động" những người lớn tuổi trong gia đình, những người mà quá nửa đời người vẫn đang trung thành với việc đếm trả tiền mặt như một thói quen bất biến.

Với công lao đó, thỉnh thoảng tôi còn nhận được lời khen tiếp cận cái mới nhanh. Tôi cũng ngại với những lời nói đó nhưng quả thật, việc thanh toán qua các ứng dụng đã thực sự giúp tôi và người thân rất nhiều trong nhịp sống hiện đại ngày nay.

Khi mà việc không sử dụng tiền mặt trong nhiều giao dịch đã trở thành một xu thế trong cuộc sống hiện đại thì sớm hay muộn, tôi nghĩ mọi người nên thử một lần để cảm nhận vô vàn tiện ích mà nó mang lại.

Và tôi nghĩ, bạn sẽ không "ân hận" khi "sống thử" với nó. Với tôi, hiện các hình thức sử dụng các phương thức thanh toán tiền mặt mà tôi trải nghiệm chưa nhiều nhưng tôi vẫn giành thời gian để tìm hiểu những tiện ích của nó.

Những khái niệm về chạm, quẹt, cà,… đã và đang giúp cho sinh hoạt hàng ngày của tôi trở nên thoải mái hơn rất nhiều.

Nguồn: https://tuoitre.vn/

Các tin đã đăng