Hội chứng Chóp xoay vai

06/05/2015 14:23:00

Chóp xoay là một nhóm các cơ và gân xung quanh khớp vai giữ cho chỏm xương cánh tay được vững chắc khi vận động bên trong ổ khớp khá nông của vai. Chóp xoay bao gồm bốn gân cơ: cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai, cơ tròn bé. Bốn gân cơ này phối hợp với nhau tạo thành một gân lớn hơn gọi là gân chóp xoay. Gân này bám vào phần xương bề mặt của chỏm xương cánh tay. Khoang giữa mỏm cùng vai và chỏm xương cánh tay gọi là khoang dưới mỏm cùng. Gân chóp xoay và túi hoạt dịch dưới mỏm cùng nằm trong khoang này.
Tổn thương chóp xoay có thể gây đau âm ỉ ở vai và thường đau nhiều hơn khi người bệnh cố tình nằm lên phía đau khi ngủ.
 

Tổn thương chóp xoay thường gặp nhiều nhất ở những người có các động tác lặp đi lặp lại đưa tay lên quá đầu trong công việc hàng ngày hay chơi thể thao. Ví dụ: thợ sơn, thợ mộc, vẽ tranh tường, chơi bóng gậy, bóng chày, quần vợt, cầu lông, bóng ném. Hoặc có tiền sử mang vác nặng, hoạt động quá mức của khớp vai. Các loại tổn thương có thể gặp của chóp xoay là: (1) viêm gân thường là cấp tính, có thể kèm theo lắng đọng canxi tại gân; (2) chèn ép gân thường là mạn tính, do gân chóp xoay bị kẹt giữa xương vai và chỏm xương cánh tay hoặc do gai xương ở mặt dưới mỏm cùng, dẫn đến rách tưa sợi gân, làm cho gân bị yếu và dễ đứt; (3) rách gân ở nhiều mức độ khác nhau, do té ngã hoặc tai nạn hay do hậu quả của chèn ép gân, nhất là ở người già.
 

Hầu hết người bệnh có vấn đề về gân cơ chóp xoay có thể điều trị thành công bằng việc nghỉ ngơi kết hợp với thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, tập vật lý trị liệu, tiêm corticoid vào khớp. Có trường hợp cần phải phẫu thuật.
 

Nguyên nhân
Gồm có:

• Té ngã chống tay hoặc ngã đè lên tay làm đụng dập hay rách gân cơ chóp xoay.
• Nâng một đồ vật nặng hay đưa tay lên quá đầu không chuẩn mực.
• Tổn thương lặp đi lặp lại của gân cơ chóp xoay dẫn đến viêm, rách…
• Các gai xương hoặc một phần xương bả vai to trồi lên gây kích thích và làm tổn thương gân chóp xoay.
 

 

Triệu chứng
Đau do tổn thương chóp xoay có thể:

• Mô tả như đau âm ỉ sâu trong vai.
• Rối loạn giấc ngủ, nhất là khi nằm lên bên đau.
• Khó chải đầu hay khó đưa tay ra phía sau đầu.
• Yếu cánh tay.
• Kiểm tra cung vận động khớp vai ở nhiều tư thế và góc độ khác nhau. Một số triệu chứng đặc hiệu: (1) trong viêm gân chóp xoay, cung gây đau nhất thường tại vị trí cánh tay dạng 70 – 1200 so với thân người; (2) trong chèn ép gân chóp xoay, với tổn thương là viêm thoái hóa và đứt gân mà thường gặp nhất là của gân cơ trên gai, người bệnh được yêu cầu để thẳng cánh tay nép bên thân mình và xoay vào trong (gan bàn tay nhìn ra phía sau), thầy thuốc giúp người bệnh từ từ dạng tay thụ động đến tối đa trong bình diện của xương vai, nghiệm pháp này (+) khi người bệnh thấy đau khu trú tại khoang dưới mỏm cùng hay tại bở trước của mỏm cùng (nghiệm pháp va chạm Neer +); (3) trong rách gân chóp xoay, bác sĩ đưa cánh tay người bệnh ra xa thân mình và nâng về phía đầu, rồi hạ cánh tay xuống từ từ đến khoảng 900, nhưng khi xuống thấp hơn nữa thì cánh tay rơi xuống nhanh chóng do gân đã bị rách (nghiệm pháp rơi cánh tay).
 

 

Biến chứng
Khớp vai cần được nghỉ ngơi để khỏi bệnh, tuy nhiên bất động vai kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mô liên kết quanh khớp dày lên và khớp vai bị bó chặt, hạn chế vận động.
 

Các cận lâm sàng và chẩn đoán

• X-quang: cho thấy các gai xương và vôi hóa trong gân.
• Siêu âm: thấy rõ cấu trúc, nhất là phần mô mềm như gân, cơ.
• Chụp cộng hưởng từ: phát hiện rất tốt các vấn đề của cả xương và mô mềm.
 

 

Điều trị và thuốc

• Thuốc kháng viêm nhóm NSAID thường được sử dụng trong giai đoạn đầu. Nếu điều trị bảo tồn không hết đau, có thể tiêm steroid vào khớp vai cho các trường hợp viêm gân chóp xoay (có thể tiêm lặp lại sau 4 - 6 tháng nếu đáp ứng tốt) nhưng phải thận trọng vì có thể làm yếu gân và làm chậm quá trình lành gân.
• Vật lý trị liệu. Giúp hồi phục sự linh hoạt và sức mạnh của vai.
• Phẫu thuật: lấy bỏ gai xương, sửa chữa khôi phục gân, chuyển gân, thay thế gân, làm rộng khoang dưới mỏm cùng (tạo hình mỏm cùng vai), khâu lại gân chóp xoay… Các phẫu thuật này hầu như đều có thể thực hiện hoàn toàn qua ngả nội soi.
 

 

ThS BS Dương Đình Triết

Các tin đã đăng