Cẩn thận bệnh viêm tai giữa sau khi mắc COVID-19

24/03/2022 09:39:00

Theo ThS BS. Văn Thị Hải Hà - Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TPHCM), viêm tai giữa không chỉ xảy ra sau khi mắc COVID-19 (hậu COVID-19) mà còn là dấu chứng để gợi ý người bệnh có thể đang mắc COVID-19, thường là giai đoạn 3 - 4 ngày kể từ khi mắc COVID-19. Một số người bệnh không hề biết mình mắc COVID-19, khi đến khám chỉ với triệu chứng đau tai. Lúc lấy dịch ở tai đi xét nghiệm thì dương tính với vi-rút SARS-CoV-2.
Điều này không hề lạ, trên thế giới cũng có những công bố kết quả tử thiết trên người bệnh qua đời vì COVID-19 khi được làm xét nghiệm PCR dịch tai giữa và xương chũm thấy có sự hiện diện của vi-rút SARS-CoV-2. Như vậy, vi-rút gây bệnh COVID-19 xâm nhập làm viêm cấp tính đường hô hấp trên. Từ đó sẽ theo đường thông từ mũi vào làm viêm vòi nhĩ và xâm nhập vào tai giữa.
Mắc COVID-19 chẳng những khiến ta có nguy cơ bị viêm tai giữa cấp tính mà còn làm tái phát và thêm trầm trọng với những người đã điều trị viêm tai giữa trước đó. Ngoài ra, vì lý do e ngại dịch bệnh, nhiều trường hợp bị viêm tai giữa không tái khám, điều trị dứt điểm nên đã góp phần đẩy bệnh diễn tiến nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Mới đây, bác sĩ Văn Thị Hải Hà đã phẫu thuật cho một trường hợp bị viêm tai giữa bị biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân là bà P.T.D., 50 tuổi, ngụ TP. Vũng Tàu. Trước đó, bà D. đã điều trị viêm tai giữa ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không tái khám định kỳ. Người bệnh bị tái phát nặng trở lại sau một đợt viêm mũi - họng cấp. Khi tới BBV ĐHYD TPHCM thì tình trạng của bà đã rất nặng nề, biến chứng liệt mặt (dây thần kinh số 7 bị tổn thương), viêm gây hủy xương chũm, dịch mủ tai còn ăn lên gây viêm màng não, cơ thái dương của người bệnh cũng bị hủy. Viêm tai giữa tái đi tái lại đã gây thủng màng nhĩ của người bệnh. Các biểu bì ở bờ rìa lỗ thủng của màng nhĩ thay vì hướng ra bên ngoài thì lại phát triển ngược vào trong. Chính điều này đã khiến cho ráy tai của người bệnh không tự đẩy ra ngoài mà lại đủn ngược khiến tình trạng ứ dịch, bít tắc thêm trầm trọng.
Với trường hợp này, các bác sĩ phải mổ hở, mở rộng vị trí tổn thương thì mới có thể làm sạch được hết các mô hoại tử. Sau ca mổ, người bệnh hết đau đầu, đau tai, được dùng kháng sinh phổ rộng trong hai tuần. Tuy nhiên, với những ca viêm tai giữa bị biến chứng nặng như trên sẽ phải tuân thủ tái khám định kỳ và cần được hướng dẫn theo dõi cũng như chăm sóc đặc biệt.

CÁC DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỊ VIÊM TAI GIỮA
Hiện nay, mỗi ngày Phòng khám Tai Mũi Họng BV ĐHYD TPHCM khám từ 300 - 400 ca. Trong số các người bệnh bị viêm tai giữa tới khám thì 10% bị biến chứng xơ xẹp nhĩ, thanh dịch, thủng màng nhĩ và viêm xương chũm.
Bác sĩ Văn Thị Hải Hà cảnh báo các đối tượng dễ bị viêm tai giữa trở nặng gây biến chứng là người già, người bệnh đái tháo đường, người bị suy giảm miễn dịch. Viêm tai giữa nếu phát hiện sớm chỉ cần điều trị nội khoa bằng thuốc nhưng khi chậm trễ sẽ phải chụp MRI tai - sọ - não để đánh giá mức độ tổn thương và can thiệp bằng phẫu thuật. Các dấu hiệu nhận biết viêm tai giữa là đau tai, ù tai, tai chảy dịch.

Nguồn: Báo Phụ nữ TPHCM

Các tin đã đăng