Phiếu tóm tắt thông tin cho người bệnh thoái hóa cột sống

04/07/2022 22:57:00

1. Bệnh thoái hóa cột sống là gì?
- Thoái hóa cột sống là bệnh lý xương khớp mạn tính, tiến triển chậm, gây đau âm ỉ không dứt, hạn chế vận động và biến dạng cột sống mà không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp, đĩa đệm cột sống phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch do quá trình lão hóa.
- Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, béo phì, làm việc nặng và sai tư thế,…
- Cột sống cổ và cột sống thắt lưng là hai vị trí thường bị thoái hóa.
2. Biểu hiện của bệnh như thế nào?
- Đau: là triệu chứng thường gặp, thường tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Khi thoái hóa ở giai đoạn nặng, đau có thể liên tục và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tùy theo vị trí đốt sống bị thoái hóa mà triệu chứng đau sẽ khác nhau, ví dụ như:
+ Thoái hóa cột sống thắt lưng: thường đau ở vùng lưng dưới, mông, bẹn và sau đùi.
+ Thoái hóa cột sống cổ: thường đau ở khu vực cổ, vai và lưng trên. Đau có thể lan xuống cánh tay, bàn tay trong trường hợp nặng.
+ Thoái hóa cột sống ngực: đau thường ở vùng lưng giữa và có thể lan đến vùng cổ, vai và cánh tay. Các cơn đau thường khởi phát khi cúi người về trước hoặc gập người.
- Cứng cột sống dưới 30 phút, thường buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau giai đoạn bất động kéo dài.
- Tiếng lục khục khi cử động cột sống (cúi người, ưỡn ngực, ..).
- Biến dạng cột sống (gù, vẹo, …): thường gặp trong thoái hóa giai đoạn nặng.
3. Các xét nghiệm cần làm là gì?
- Xét nghiệm máu thường quy như: tổng phân tích tế bào máu, đường huyết, CRP, chức năng gan, chức năng thận, ion đồ máu,…
- X-quang cột sống thẳng, nghiêng: thường được chỉ định để chấn đoán thoái hóa cột sống. Có thể thấy các hình ảnh đặc trưng như hẹp khe đĩa đệm, mâm đĩa đệm nhẵn, đặc xương dưới sụn, gai xương, hẹp lỗ liên hợp đốt sống.
- Chụp cộng hưởng từ cột sống: thường không có chỉ định trong chẩn đoán thoái hóa cột sống. Đây là xét nghiệm nâng cao trong trường hợp đau lưng kèm dấu hiệu nghi ngờ bệnh lí nhiễm trùng (viêm thân sống đĩa đệm), bệnh ác tính, thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ, hội chứng chùm đuôi ngựa, …
- Các xét nghiệm khác nếu cần.
4. Điều trị bệnh thoái hóa cột sống như thế nào?
- Điều trị không dùng thuốc:
+ Thay đổi các tư thế xấu khi hoạt động cũng như nghỉ ngơi.
+ Dinh dưỡng đầy đủ và duy trì cân nặng lí tưởng.
+ Vật lý trị liệu: bài tập cho vùng lưng, kích thích thần kinh bằng xung điện qua da, châm cứu, xoa bóp, massage,…
- Điều trị dùng thuốc:
+ Thuốc giảm đau: Paracetamol, Tramadol, giảm đau Opiod,…
+ Thuốc chống viêm không steroid: Diclofenac, Meloxicam, Celecoxib, Etoricoxib,.. Có thể dùng dạng thuốc uống hoặc thoa ngoài da.
+ Thuốc giãn cơ: Eperison, Tolperison,…
+ Tiêm corticoid tại chỗ: tiêm ngoài màng cứng bằng Hydrocortison acetat, hoặc Methylprednisolon acetate trong trường hợp đau thần kinh tọa, tiêm cạnh cột sống, tiêm khớp liên mấu.
- Điều trị ngoại khoa:

+ Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phẫu thuật trong những tình huống như: đau không đáp ứng với thuốc và phục hồi chức năng sau 3 tháng, có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh, tổn thương đĩa đệm nặng, trượt đốt sống độ 3,4…

5. Bác sĩ sẽ cung cấp cho người bệnh những thông tin gì?
- Thoái hóa cột sống là bệnh lí mạn tính liên quan đến tuổi. Đa số trường hợp bệnh ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên người bệnh cần tái khám để kiểm soát tốt triệu chứng và phát hiện sớm những biến chứng nguy hiểm.
- Các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa cột sống.
- Các biến chứng của bệnh, cách phát hiện và điều trị.
- Chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp.

 

Các tin đã đăng