Nhận biết và phòng ngừa hiệu quả bệnh lý sa sút trí tuệ

19/08/2022 08:47:00

Sa sút trí tuệ (SSTT) được xếp vào nhóm bệnh lý báo động đỏ trên toàn thế giới. Chứng rối loạn thần kinh này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, người thân mà còn tạo các gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội.



Hiểu về bệnh lý sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Theo các thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 3 giây trên thế giới lại có 1 người mắc căn bệnh này. Khi bệnh tiến triển, người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân, không thể sinh hoạt bình thường nếu không có người thân hỗ trợ. Người bệnh sa sút trí tuệ có thể không nhận biết được người thân, có các triệu chứng rối loạn hành vi tâm thần: cáu gắt, nghi ngờ, kích động dẫn đến không hợp tác trong quá trình điều trị.

Theo TS BS. Nguyễn Bá Thắng – Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TPHCM, SSTT là hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó, bệnh lý thoái hóa thần kinh - Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất. Tiếp đến là các bệnh lý liên quan đến mạch máu, cụ thể là đột quỵ. Ngoài ra, một số nhóm bệnh như nhiễm trùng thần kinh, thiếu vi chất dinh dưỡng cũng mang đến những biểu hiện tương tự bệnh lý SSTT.

Phương pháp nhận biết và điều trị sớm, phòng ngừa hiệu quả SSTT

Theo BS CKII. Tống Mai Trang, SSTT không phải là hiện tượng lão hóa tự nhiên, các biểu hiện của hội chứng này đều mang tính chất bệnh lý. Để nhận biết sớm, người bệnh và người nhà người bệnh có thể dựa vào 10 dấu hiệu cảnh báo sau: Giảm trí nhớ; Khó khăn khi thực hiện các công việc quen thuộc; Khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt ý; Mất định hướng về thời gian và nơi chốn; Giảm khả năng đánh giá tình huống; Thay đổi về thái độ và hành vi; Khó khăn trong việc hiểu thông tin về thị giác và không gian; Thu rút khỏi công việc và các hoạt động xã hội.

BV ĐHYD TPHCM là một trong những cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa sâu về Thần kinh, giúp chẩn đoán chính xác, đánh giá tình trạng của người bệnh một cách toàn diện. Bên cạnh việc thăm khám với Bác sĩ, người bệnh nghi vấn SSTT còn được chỉ định thực hiện bộ test tâm thần kinh với các câu hỏi khảo sát trí nhớ, khả năng sử dụng ngôn ngữ, xử lý tình huống, mức độ tập trung chú ý.

Thế mạnh trong phối hợp đa chuyên khoa của Bệnh viện đã mang lại phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh sau khi xác định được tình trạng và mức độ SSTT. Bệnh viện được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, cần thiết cho quá trình chẩn đoán và điều trị (máy MRI, CT, thiết bị định vị thần kinh,...). Đồng thời, có những lớp hoạt động trị liệu được phân chia dựa theo tình trạng bệnh.

Tại đây, người bệnh SSTT sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập cải thiện chức năng, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Điều đáng mừng là SSTT có thể phòng ngừa được ngay từ sớm bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh, hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, căng thẳng kéo dài…

 Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về bệnh lý SSTT cũng như trang bị kiến thức về phương pháp nhận biết, điều trị sớm và phòng ngừa bệnh hiệu quả, BV ĐHYD TPHCM thực hiện chương trình tư vấn Sống khỏe - Sẻ chia với chủ đề “Sa sút trí tuệ - Những điều cần biết”, theo dõi tại: https://bit.ly/sasutritue-nhungdieucanbiet

Các tin đã đăng