Phiếu tóm tắt thông tin điều trị hội chứng cushing do thuốc

22/08/2022 09:10:00

  1. Hội chứng Cushing do thuốc là gì?
  • Hội chứng Cushing do thuốc là hậu quả của tình trạng sử dụng các loại thuốc có chứa glucocorticoid kéo dài.
  • Việc sử dụng thuốc có chứa glucocorticoid có thể do:
    • Chỉ định của bác sĩ dùng để điều trị một sốt bệnh lý đặc biệt như: hội chứng thận hư, lupus, hen phế quản, hoặc các bệnh lý tự miễn khác…
    • Tuy nhiên nguyên nhân thường gặp nhất là do người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc tàu, thuốc đông y, thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc nhưng trong đó có chứa glucocorticoid (thường là dexamethasone dạng uống hoặc một số glucocorticoid dạng tiêm).
  1. Người nào có nguy cơ bị hội chứng Cushing do thuốc ?
  • Sử dụng các nhóm thuốc có chứa glucocorticoid kéo dài.
  • Mức độ bệnh phụ thuộc vào liều lượng và thời gian sử dụng glucocorticoid, biểu hiện các triệu chứng và ảnh hưởng cơ thể càng nặng khi sử dụng liều cao và kéo dài.
  1. Hội chứng Cushing do thuốc có biểu hiện như thế nào?

Các biểu hiện của Cushing do thuốc phụ thuộc vào liều lượng và thời gian sử dụng, người bệnh thường có biểu hiện 2 nhóm triệu chứng chính:

  • Biểu hiện hội chứng Cushing do sử dụng glucocorticoid kéo dài:
    • Bé phì trung tâm, tụ mỡ thường ở mặt, cổ, trên đòn, thân mình, bụng, mặt tròn như mặt trăng, da mặt ửng đỏ.
    • Te mô liên kết duới da, da mỏng, dễ bầm máu, có các vết rạn da ở vùng ngực, bụng, mông đùi, nách. Dễ nhiễm nấm da niêm và móng. Te cơ, yếu cơ gốc chi. 
    • Phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt.
    • Có các biểu hiện triệu chứng thần kinh tâm lý như dễ bị kích thích, lo lắng, trầm cảm, thiếu tập trung, giảm trí nhớ, ảo giác và rối loạn giấc ngủ.
    • Ở trẻ em có thể mập phì toàn thân và chậm tăng trưởng.
    • Ngài ra có thể có các biến chứng khác như loãng xương, tăng đường huyết và đái tháo đường, tăng huyết áp, vết thương chậm lành.
  • Trong trường hợp sử dụng glucocorticoid kéo dài sau đó ngưng thuốc đột ngột, người bệnh có thể biểu hiện các triệu chứng của suy tuyến thượng thận như:
    • Buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, chán ăn là các biểu hiện thường gặp.
    • Trường hợp nặng, nôn ói nhiều có thể kèm hạ huyết áp, hạ đường huyết và rối loạn điện giải cần phải nhập viện cấp cứu.
  1. Làm sao biết mình bị Cushing do thuốc?
  • Có sử dụng thuốc có chứa glucocorticoid trước đó.
  • Có biểu hiện lâm sàng của hội chứng cushing và suy thượng thận (mức độ phục thuộc vào liều và thời gian sử dụng glucocorticoid, cũng như thời gian ngưng thuốc).
  • Xét nghiệm ghi nhận suy tuyến thượng thận do sử dụng glucocorticoid kéo dài (cortisol máu thấp).
  • Có các biến chứng khác của việc sử dụng glucocorticoid và suy tuyến thượng thận khi ngưng thuốc như: đường huyết tăng, hạ natri máu, loãng xương…
  1. Điều trị hội chứng Cushing do thuốc như thế nào ?
  • Điều trị chính là giảm dần và ngưng thuốc glucocorticoid nếu không cần thiết. Trong trường hợp cần sử dụng để điều trị các bệnh lý đặc trị thì tiếp tục sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên cần theo dõi sát các biến chứng của việc sử dụng glucocorticoid kéo dài như tăng huyết áp, tăng đường huyết, loãng xương…
  • Khi người bệnh đã ngưng thuốc glucocorticoid đột ngột, có biểu hiện suy tuyến thượng thận:
    • Trường hợp bệnh nặng, biểu hiện suy thượng thận cấp tính, người bệnh nôn ói nhiều thì điều trị bằng cách bù glucocorticoid theo đường tĩnh mạch, bù dịch, bồi hoàn chất điện giải và khi tình trạng người bệnh ổn định sẽ chuyển sang glucocorticoid dạng uống theo liều thấp vừa đủ.
    • Trường hợp người bệnh ổn định thì có thể dùng glucocorticoid dạng uống theo liều thấp vừa đủ để điều trị tình trạng suy tuyến thượng thận.
  • Điều trị các biến chứng khác kèm theo do sử dụng glucocorticoid kéo dài như tăng huyết áp, tăng đường huyết, loãng xương…
  • Xét nghiệm định kỳ đánh giá chức năng tuyến thượng thận, khi người bệnh ổn định, chức năng tuyến thượng thận ổn định thì có thể ngưng thuốc glucocorticoid.
  1. Làm sao để phòng ngừa hội chứng Cushing do thuốc?
  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc tiêm, thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
  • Khi có các bất thường, nên đến khám tại các cơ sở y tế để được khám và kê toa thuốc phù hợp.

 

Các tin đã đăng