Những điều nên và không nên khi chăm da nhạy cảm

15/09/2022 17:57:00

Chăm sóc da nhạy cảm không đúng cách có thể làm da dễ kích ứng hơn, gây cảm giác khó chịu và khó khăn cho việc điều trị và phục hồi.

Gần đây, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) tiếp nhận điều trị cho người bệnh M.N.A. (25 tuổi, ngụ tại TPHCM). Chị A. có làn da nhạy cảm mức độ nặng, đang chăm sóc da tại một spa gần nhà. Cách đây 3 ngày, chị A. đổi sản phẩm dưỡng da mới và bị kích ứng nặng, da sưng và bong tróc, nổi mẩn đỏ khắp mặt. Tại Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bác sĩ cho biết chị A. bị kích ứng do dùng sản phẩm chưa phù hợp cho da nhạy cảm. Chị được Bác sĩ kê thuốc giảm kích ứng và hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc để cải thiện độ nhạy cảm của da.
 

Hiểu về da nhạy cảm

 

BSCKII. Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da BV ĐHYD TPHCM cho biết, da nhạy cảm là tình trạng da có cảm giác bị châm chích, nóng rát, căng kéo bất thường (đôi khi thấy đau hoặc ngứa) khi làn da phản ứng quá mức với các tác động bên ngoài hoặc bên trong cơ thể. Các tác động bên ngoài có thể gồm tác nhân vật lý (ánh sáng, tia cực tím, môi trường nóng, lạnh,…), hóa học (hóa mỹ phẩm, xà phòng, tác nhân ô nhiễm…). Các tác nhân bên trong cơ thể gồm yếu tố nội tiết, tâm lý, các bệnh về da như chàm, viêm da, vảy nến…

Da nhạy cảm thường là hội chứng do nhiều tác nhân cùng gây ra,
 

thường liên quan đến yếu tố di truyền của mỗi người, nhưng cũng có thể do nhiều tác nhân bên ngoài kích hoạt hoặc làm nặng thêm.
 

Các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ da nhạy cảm ở nữ cao hơn nam giới, đa số các biểu hiện thường tập trung ở vùng mặt gây cảm giác căng kéo, châm chích, da căng, ngứa, đỏ da và đôi khi bong vảy. Đặc biệt, người có da nhạy cảm thường có cảm giác khó chịu sau khi mỹ phẩm không phù hợp chỉ sau vài phút hoặc vài giờ.
 

Những điều nên và không nên khi chăm da nhạy cảm

Theo BSCKII. Lê Vi Anh, người có da nhạy cảm nên lưu ý các điểm sau:

- Lựa chọn sản phẩm làm sạch phù hợp cho da nhạy cảm: Các sản phẩm làm sạch nên không chứa xà phòng, không hương liệu hoặc mùi hương ít gây kích ứng.

- Dùng kem chống nắng mỗi ngày: Người có da nhạy cảm nên dùng kem chống nắng vật lý với SPF 30 trở lên và PA++ để vừa chống được tia UVA và UVB.
 

- Luôn thử trước trên da khi dùng sản phẩm mới: Nên thử sản phẩm ở một vùng da nhỏ trước khi sử dụng lần đầu, có thể ở vùng góc hàm hoặc mặt trong cánh tay, theo dõi phản ứng da qua 1 ngày rồi sử dụng ở vùng diện tích lớn hơn.
 

- Luôn dưỡng ẩm cho da: Kem giữ ẩm phù hợp giúp cải thiện hàng rào bảo vệ da và cải thiện độ nhạy cảm của da. Nên lựa chọn sản phẩm chuyên biệt cho da nhạy cảm, thoa lại kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày nếu phải thường xuyên ở trong phòng máy lạnh hoặc điều kiện khí hậu khô nóng.

- Hạn chế các yếu tố kích thích có thể làm nặng hơn tình trạng da nhạy cảm. Trường hợp da nhạy cảm do các yếu tố bên trong những trầm cảm hoặc stress, người bệnh cần được điều trị kịp thời để loại bỏ nguyên nhân từ bên trong.
 

BSCKII. Lê Vi Anh khuyến cáo, người có da nhạy cảm không nên sử dụng quá nhiều loại mỹ phẩm cùng lúc; không tẩy tế bào chết hoặc làm sạch da quá mức; không nên rửa mặt hoặc tắm với nước quá nóng hoặc quá lạnh hoặc tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ quá mức… Khi các triệu chứng nhạy cảm trở nên nặng nề như: ngứa, bỏng rát, đỏ, sưng phù, mụn nước, bóng nước… hoặc không thể cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc thông thường, người bệnh nên tìm đến Bác sĩ chuyên khoa da liễu để tư vấn và điều trị kịp thời.
 

Nhằm giúp người có da nhạy cảm chăm sóc và bảo vệ da đúng cách, BV ĐHYD TPHCM thực hiện chương trình tư vấn Chăm da nhạy cảm chuẩn khoa học với chủ đề: “Những điều nên và không nên khi chăm da nhạy cảm”, theo dõi tại: https://bit.ly/nhungdieunenvakhongkhichamdanhaycam

Các tin đã đăng