Bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh bệnh tiêu chảy sau mưa lũ

18/10/2022 21:25:00

Sau mưa bão, lũ lụt, có thể thường xảy ra các đợt bùng phát bệnh tiêu chảy do các mầm bệnh lây truyền qua đường nước bao gồm nhiều loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng khác nhau.

TS BS. Huỳnh Minh Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, một số tác nhân điển hình gây ra các bệnh cảnh tiêu chảy ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ - thông thường, đến rất nặng - có thể gây tử vong, thậm chí có thể gây ra những trận dịch.

Các loại vi khuẩn gây bệnh và đường truyền

Như bệnh thương hàn và phó thương hàn (do các vi khuẩn Salmonella), bệnh tả (do vi khuẩn Vibrio cholerae), bệnh leptospirosis (do xoắn khuẩn leptospiro), shigellosis (các vi khuẩn shigella - lỵ), campylobacteriosis (các vi khuẩn campylobacter), E. coli gây bệnh, viêm gan A (virus viêm gan A), norovirus (virus noro), enterovirus (virus entero), nhiễm các ký sinh trùng như Entamoeba histolytica, Giardia, bệnh cryptosporidiosis.

Về đường lây truyền của các vi sinh vật gây bệnh này, trong y học sử dụng một thuật ngữ là đường phân - miệng. Có thể lý giải cụ thể như sau: tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng) từ người bệnh sẽ theo đường bài tiết (phân) gây ô nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt, ăn uống…; rồi nguồn nước ô nhiễm này, nếu không được xử lý đúng cách để tiêu diệt hết tác nhân gây bệnh và bằng nhiều cách khác nhau, sẽ mang theo tác nhân gây bệnh xâm nhập trở lại vào đường tiêu hóa của con người để gây bệnh (điều này đặc biệt có nguy cơ xảy ra rất lớn sau các trận thiên tai mưa bão, lũ lụt).

Thông thường nhất là gây ô nhiễm vào đồ ăn thức uống và xâm nhập theo đồ ăn thức uống vào đường tiêu hóa của người; hoặc cũng có thể gián tiếp qua bàn tay bị nhiễm bẩn - ô nhiễm khi chạm vào phân, dịch tiết (khi chăm sóc người bệnh) và từ bàn tay không được rửa tay đúng cách (cầm nắm đồ ăn) sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa của con người và gây bệnh.



Phòng tránh bệnh tiêu chảy sau mưa lũ

Bác sĩ Minh Tuấn khuyến cáo trong cộng đồng, để phòng tránh các bệnh tiêu chảy đặc biệt sau các thiên tai mưa bão, lũ lụt, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp sau đây:

Về đồ ăn thức uống: Cần tuân thủ triệt để “ăn chín, uống sôi”. Đồ ăn phải được nấu chín kỹ, nước phải được đun sôi. Đây là biện pháp dễ dàng nhất và hiệu quả nhất tiêu diệt hầu hết các tác nhân gây bệnh trong các nguồn nước.

Các dụng cụ ăn uống (chén bát, muỗng đũa) cũng cần phải được rửa sạch (với xà phòng và nước sạch) và phơi dưới ánh nắng mặt trời (các máy rửa chén có chế độ sấy bằng nhiệt cũng có thể được áp dụng)
Về vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Biện pháp này cũng đã được chứng minh là biện pháp đơn giản, rẻ tiền và hữu hiệu để bảo vệ bản thân không bị xâm nhập bởi các tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, cũng cần chú ý vệ sinh thân thể, tắm rửa thường xuyên (với xà phòng và nước sạch), giặt giũ và phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời (các máy giặt có chế độ sấy bằng nhiệt cũng có thể được áp dụng)
Về quản lý chất thải: Đây là nguồn gây ô nhiễm tác nhân gây bệnh ra môi trường, nên phải được chú ý và tuân thủ nghiêm ngặt. Không đi tiêu tiểu bừa bãi ra ngoài môi trường tự nhiên mà phải đi tiêu tiểu vào các hố xí 2 ngăn.

Khi có người bệnh ở đường tiêu hóa thì phải đi khám bệnh ở bệnh viện/trạm y tế và phải tuân thủ các hướng dẫn vệ sinh - khử khuẩn nhà cửa theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Báo Thanh niên: https://thanhnien.vn/bac-si-khuyen-cao-cach-phong-tranh...
#keimsoatnhiemkhuan

Các tin đã đăng