Nhiều người trẻ bỏ tái khám sau phẫu thuật tuyến giáp

26/02/2023 15:15:00

Tỉ lệ người bệnh tuyến giáp bỏ tái khám sau phẫu thuật khá cao, đặc biệt là người trẻ. Điều này khiến bệnh tình không được theo dõi sát dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

TS BS. Nguyễn Hữu Phúc - Trưởng khoa Tuyến vú Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (chuyên khoa Ung thư học) - cảnh báo về tình trạng người bệnh tuyến giáp bỏ tái khám sau phẫu thuật. Cụ thể, tại bệnh viện mình, Bác sĩ Phúc ghi nhận tới 20% người bệnh sau mổ tuyến giáp tái khám trong vòng vài tháng đầu, sau đó dần mất liên lạc và tự ngưng điều trị. Những trường hợp này chủ yếu là người trẻ ở độ tuổi từ 25-40. Việc ngưng tái khám bắt nguồn từ tâm lý chủ quan (nghĩ rằng phẫu thuật là đã khỏi bệnh).

Nhiều người cố trì hoãn đi khám vì thấy không quá nguy cấp, với lý do bận rộn công việc, học tập… Cho tới khi sức khỏe xuất hiện những triệu chứng bất thường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, họ mới đến bệnh viện. Khi đi khám đau nhức xương khớp, táo bón kéo dài, khô da, rụng tóc, họ mới vô tình phát hiện cơ thể thiếu hoóc môn tuyến giáp do không được theo dõi và kiểm soát tốt.

Hoóc môn tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa. Nếu tuyến này sản xuất không đủ (suy giáp) sẽ khiến sự trao đổi chất của cơ thể diễn ra chậm hơn. Biểu hiện rối loạn điển hình được ghi nhận là tình trạng táo bón, nhịp tim chậm.

Hiện nay, có rất nhiều kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp. Những người bệnh ung thư giáp được khuyến cáo áp dụng phương pháp mổ hở truyền thống để việc bóc tách các mô bệnh kỹ càng hơn. Còn lại, người bệnh có thể lựa chọn các phương pháp mổ nội soi qua đường nách, quầng vú, miệng để đảm bảo tính thẩm mỹ, giấu sẹo. So với phương pháp mổ nội soi qua đường nách, mổ nội soi tuyến giáp qua đường miệng hoàn toàn không nhìn thấy sẹo. Tuy nhiên, mổ nội soi đường miệng chỉ áp dụng được với bệnh nhân có thể tích tuyến giáp nhỏ, còn thông qua đường nách thì các trường hợp thể tích lớn sẽ lấy ra dễ dàng hơn.

Cần lưu ý không phải trường hợp bệnh lý tuyến giáp nào cũng có chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật tuyến giáp chỉ áp dụng với các trường hợp ung thư, bướu giáp đa nhân, phình giáp đa hạt (khối bướu lớn hơn 4cm), cường giáp không đáp ứng điều trị nội khoa. Với các trường hợp cường giáp thai kỳ (sẽ tự phục hồi), basedow (nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp) thì không chỉ định mổ.

Để xác định trường hợp cường giáp không đáp ứng với điều trị nội khoa, người bệnh cần được đánh giá sau 12-18 tháng. Khoảng 50% người bệnh cường giáp đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Dù vậy, khi bệnh tình ổn định, cổ người bệnh vẫn phình to hơn bình thường, rất khó thu nhỏ lại như cũ. Với những ca cường giáp do basedow, nên hạn chế phẫu thuật bởi nguy cơ dễ bị khàn tiếng, tê tay. Ước tính, 30 - 40% người bệnh basedow bị khàn tiếng tạm thời, gần 50% bị tê tay tạm thời sau mổ tuyến giáp.

Các tin đã đăng