Thay khớp gối nhân tạo

22/04/2017 08:37:00

Thế nào là thay khớp gối và Những ai cần được thay khớp gối?

Thay khớp gối là một phẫu thuật ngày nay đã trở thành thường qui để thay thế cho khớp gối bị hư hại, bị bào mòn hay bị bệnh mà nhiều nhất là viêm xương-khớp bằng một khớp nhân tạo, được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không thể giúp làm giảm đau hay khôi phục lại được chức năng khớp giúp đem lại cho người bệnh cuộc sống tốt đẹp hơn. Khớp gối nhân tạo toàn phần gồm ba thành phần chính là: phần lồi cầu đùi, phần mâm chày (làm bằng hợp kim kim loại) và mảnh chèn nằm giữa hai thành phần trên (làm bằng polyethylen chất lượng cao). Khớp gối nhân tạo toàn phần có thể chia làm 3 loại: khớp gối nhân tạo không có hạn chế (non contraint), hạn chế một phần và hạn chế toàn phần. Trong đó, loại khớp gối nhân tạo không hạn chế là loại thường được dùng nhất hiện nay cho hầu hết các loại bệnh lý hư khớp gối. Loại này gồm hai loại chính đang được sử dụng rộng rãi là: loại xoay được và loại không xoay được. Khớp gối nhân tạo có tuổi thọ trên dưới 15 năm, nhất là khi khớp thay mới được chăm sóc phù hợp.
 

Người lớn ở mọi lứa tuổi đều có thể xem xét thay khớp gối, thay nhiều nhất là những người 60-80 tuổi và hiện đang có nhiều hơn những người trẻ được thay khớp gối. Trong phẫu thuật, các phần xương và sụn bị hư hại của xương đùi, xương chày và xương bánh chè được cắt bỏ và thay bằng một khớp nhân tạo làm bằng hợp kim kim loại, các chất dẻo và polymer chất lượng cao. Khớp nhân tạo có thể xoay và trượt khi gập đùi.
 

Các chỉ định của phẫu thuật thay khớp gối

  - bạn bị đau nghiêm trọng, phù và cứng đầu gối với giảm vận động
  - đau khớp gối ảnh hưởng đến chất lượng sống và giấc ngủ
  - công việc hàng ngày, thí dụ chợ búa hay đi ra khỏi bồn tắm, khó khăn hoặc không thể
  - bạn cảm thấy phiền muộn vì đau và mất vận động
  - bạn không thể làm việc và có một sinh hoạt xã hội bình thường
 

Đôi khi, phim X-quang cho thấy khớp gối hư hại nhiều, nhưng điều đáng ngạc nhiên là khi người bệnh không đau hoặc chỉ đau ít thì vẫn chưa có chỉ định thay khớp gối nhân tạo.
 

Các chống chỉ định của thay khớp gối

Bao gồm: người bệnh không thể chịu được cuộc mổ và có những bệnh lý nội khoa kèm theo như mắc bệnh tim mạch, suy thận (điều này sẽ được thảo luận giữa bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và bác sĩ nội khoa trước khi mổ)…; các người bệnh có tình trạng viêm nhiễm vùng gối; các người bệnh trẻ tuổi nên hạn chế thay khớp vì khớp nhân tạo có tuổi thọ nhất định khoảng 10-15 năm nên sau đó nếu khớp thay bị hư sẽ phải thay lại; ở những người bệnh quá mập, nguy cơ hư khớp nhân tạo sẽ xuất hiện sớm hơn.
 

Các loại phẫu thuật thay khớp gối

Có hai loại phẫu thuật chính, phụ thuộc vào tình trạng bệnh của khớp gối:

1. Phẫu thuật thay khớp gối toàn phần
Rạch một đường mổ trước gối. Hai mặt sụn khớp của lồi cầu đùi và mâm chày sẽ được cắt bỏ đi, thay vào đó là hai thành phần kim loại gắn vào lồi cầu đùi và mâm chày. Các sụn chêm và dây chằng chéo trước cũng sẽ được bỏ đi, dây chằng chéo sau tùy loại khớp mà có thể giữ lại hay bỏ đi. Các thành phần kim loại sẽ gắn vào xương và được giữ chặt bằng một lớp xi măng y khoa mỏng. Một mảnh polyethylen sẽ được chèn vào giữa hai thành phần đùi và mâm chày giúp cho gối cử động nhẹ nhàng.
 

2. Phẫu thuật thay khớp gối bán phần (còn gọi là Thay khớp gối một ngăn)
Đây là một lựa chọn thích hợp khi khớp gối không bị hư hoàn toàn. Chỉ một ngăn của khớp gối bị hư là phải thay, có thể là ngăn ngoài hoặc ngăn trong, và giữ lại các ngăn khác còn tốt. Phẫu thuật nhẹ hơn với thời gian nằm viện và thời gian khỏi bệnh cũng ngắn hơn. Cách đây khoảng hơn chục năm, các bác sĩ chấn thương chỉnh hình đã thực hiện việc thay khớp gối một ngăn và các thế hệ khớp gối một ngăn kế tiếp nhau ra đời với nhiều cải tiến giúp cho chức năng của khớp gối ngày càng hoàn thiện.
 

Thay khớp gối bán phần có một số lợi ích so với thay toàn phần: việc phẫu tích xương và các mô mềm ít hơn, mất máu ít hơn, biến chứng ít hơn, và phục hồi vận động sớm hơn. Các biến chứng khác gặp ngang nhau giữa hai phương pháp: lỏng khớp, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, gãy xương cạnh khớp gối.
 

Trong chỉ định thay khớp gối một ngăn, người bệnh cần thoả mãn các điều kiện sau:
- Bị hư chỉ một ngăn của khớp gối, các ngăn khác còn tốt.
- Gối vẹo trong ít hơn 10 độ hay vẹo ngoài ít hơn 15 độ và còn nắn chỉnh được.
- Gối không bị hạn chế gập gối và có thể gập hơn 90 độ, gối không bị mất vững và không bị mất duỗi gối ít hơn 10 độ.
- Đau khe khớp bên trong hay bên ngoài khi đi, ngồi hay nằm nghỉ ngơi không đau.
 

Khớp gối có 3 ngăn: ngăn bánh chè-đùi, ngăn đùi-chày trong, ngăn đùi-chày ngoài.
 

Kỹ thuật thay khớp gối một ngăn bao gồm: một đường mổ khoảng 15 cm mặt trước gối, bộc lộ ngăn khớp gối bị hư. Các bác sĩ sẽ gắn một miếng kim loại vào vùng lồi cầu đùi để thay cho mặt khớp lồi cầu đùi. Phần mặt khớp mâm chày sẽ được đặt một miếng nhựa đặc biệt chắc chịu được sự mài mòn cao. Như vậy, các bác sĩ đã thay thế mặt sụn khớp bằng một miếng nhựa đúng bằng mặt khớp của một ngăn. Trong thay khớp gối một ngăn, các dây chằng chéo trước và sau được bảo tồn (chỉ cắt bỏ trong thay khớp gối toàn phần). Vì cuộc mổ nhỏ hơn và cắt ít xương hơn nên người bệnh sẽ ít đau hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn. Điều quan trọng hơn là khi khớp gối bán phần bị hư, xương vùng gối còn được bảo tồn ở ngăn còn lại nên việc thay lại sẽ dễ dàng hơn thay khớp gối toàn phần.
 

Người mập quá có thể thay khớp gối một ngăn được không? Nhiều nghiên cứu cho thấy không có sự ảnh hưởng của cân nặng lên chỉ định thay khớp gối một ngăn và thời gian sống còn của khớp cũng không có sự khác biệt với người ốm, nên người mập vẫn có thể được thay khớp gối một ngăn nếu có chỉ định.
 

Lưu ý, những người bệnh không thể thay khớp gối một ngăn là:
- Người bệnh bị viêm khớp gối sẽ không được thay khớp gối một ngăn vì nguy cơ nhiễm trùng cao. Cần điều trị triệt để nguyên nhân viêm trước khi quyết định thay khớp gối.
- Người bệnh bị loãng xương quá nặng.
- Người bệnh có gối bị biến dạng nặng.
- Người bệnh có gối bị cứng hay quá lỏng lẻo.
 

Bệnh thoái hóa khớp ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu, làm giảm khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp đã có những tiến bộ trong những thập kỷ qua cùng với sự phát triển của công nghệ và hướng điều trị mới giúp cải thiện chất lượng sinh hoạt rất nhiều cho người bệnh thoái hóa khớp.
 

Biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối

Có thể gặp các biến chứng, tuy rằng hiếm: nhiễm trùng, chảy máu tại khớp gối, khớp bị đặt sai, chân không được thẳng trục, cứng khớp gối, mất gập hay duỗi gối, cục máu đông hay huyết khối tĩnh mạch sâu, đau dai dẳng tại khớp gối, gãy xương quanh vùng khớp nhân tạo, khớp nhân tạo không thật vững và có thể cần phẫu thuật để điều chỉnh, tử vong quanh mổ…
 

Chế độ tập sau mổ thay khớp

Sau mổ, người bệnh sẽ được tập vật lý trị liệu và có chế độ tập đi lại thích hợp. Lúc đầu phải dùng khung chống hay nạng để tập theo hướng dẫn giúp làm mạnh khớp gối. Có thể bỏ các phương tiện giúp tập đi sau khoảng 6 tuần và bắt đầu đi xe sau 8-12 tuần. Phải sau 2 năm mới hồi phục hoàn toàn được.
 

Không như khớp háng dễ bị trật, khớp gối rất hiếm khi bị trật, tùy loại khớp mà người bệnh có thể gập duỗi gối thoải mái không hạn chế kể cả có thể ngồi xổm hay quỳ được.
 

Các thuật ngữ chuyên môn Việt-Anh sử dụng trong bài:
Ngăn bánh chè-đùi / Patello-femoral compartment; Ngăn đùi-chày ngoài / Lateral femoro-tibial compartment; Ngăn đùi-chày trong / Medial femoro-tibial compartment; Thay khớp háng bán phần hay một ngăn / Partial knee replacement or Unicompartmental knee replacement; Thay khớp háng toàn phần / Total knee replacement

 
TS BS Tăng Hà Nam Anh

Các tin đã đăng