Sự nguy hiểm của biến thể omicron ba.5 vừa xuất hiện tại việt nam

07/07/2022 13:17:00



1. Biến thể mới có nguy hiểm không?


- Kể từ khi xuất hiện vào năm 2019, virus SARS-CoV-2 đã có nhiều đột biến, trong đó Omicron hiện là biến thể gây bệnh phổ biến nhất hiện nay. Điều nguy hiểm là biến thể này đã có nhiều đột biến và hình thành nhánh phụ, trong đó có BA.5.

- Biến thể phụ mới BA.5 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 2/2022, hiện nay đã lan sang hơn 60 quốc gia trên thế giới. Hiện nay đã có ca bệnh nhiễm biến thể BA5 ở Việt Nam.

- BA.5 mang nhiều đột biến trên protein gai khiến độ độ bám của virus vào tế bào của vật chủ nhanh và dễ dàng hơn. Ngoài ra, những đột biến này cho phép virus lẩn tránh hệ miễn dịch phát hiện sớm, do đó người có miễn dịch nhờ tiêm vắc xin hay từng mắc COVID-19 trước đó vẫn có thể bị nhiễm lại.

- Dự báo biến thể BA.5 của Omicron không nguy hiểm như Delta trước đây nhưng theo cảnh báo của WHO thì diễn biến sắp tới khó lường và rất có thể gây ra một làn sóng dịch mới.

2. Triệu chứng bệnh có gì khác?

Ở một số quốc gia hiện nay, sự gia tăng các trường hợp mắc COVID 19 biến thể mới của Omicron BA.5 cũng dẫn đến sự gia tăng nhập viện và điều trị hồi sức tích cực.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nuôi cấy trên tế bào ghi nhận virus có biến thể BA.5 phát triển nhanh tại phổi và gây triệu chứng bệnh nghiêm trọng trên chuột hamster. Tuy nhiên cho đến nay không có bằng chứng lâm sàng cho thấy biến thể BA.5 khiến bệnh COVID-19 nặng hơn trên người.

Theo CDC Mỹ, sau đây là 4 triệu chứng điển hình khi mắc Omicron, trong đó bao gồm cả Omicron BA.5:
- Ho
- Mệt mỏi
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi

3. Đã từng mắc Omicron biến thể khác rồi thì có mắc lại biến thể này không?

- Có. BA.5 mang những đặc tính có thể lẩn trốn hệ miễn dịch, trong đó bao gồm cả khả năng lẩn tránh kháng thể tạo ra từ lần tiêm vắc xin hay lần mắc COVID-19 trước đó, thậm chí cả kháng thể tạo ra nhờ từng nhiễm các phiên bản trước đó của Omicron. Điều này lý giải tại sao BA.5 lại lây lan nhanh hơn các biến thể phụ khác của Omicron.

- Bằng chứng sơ bộ từ nghiên cứu cho thấy rằng những người chưa từng được tiêm vắc xin mà bị nhiễm những phiên bản trước đó của Omicron, chẳng hạn như BA.1 vẫn sẽ tái nhiễm BA.5.

- Những trường hợp tử vong thường gặp ở người cao tuổi, hệ miễn dịch suy yếu, người mắc bệnh lý nền đi kèm hoặc người chưa được tiêm phòng vắc xin

4. Có thể tiêm vắc xin COVID 19 để bảo vệ không nhiễm biến thể BA.5 hay không?

- Hiện nay vẫn chưa có vắc xin nhắm trúng đích vào biến thể mới BA.5

Giống như các biến thể Omicron đã xuất hiện trước, BA.5 cũng có thể né tránh một phần, song vắc xin vẫn thể hiện được hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hoặc giảm tỷ lệ tử vong cho những người bị nhiễm.

- Kháng thể sau tiêm vắc xin liều cơ bản hoặc bị nhiễm bệnh COVID19 qua các nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy sẽ giảm đáng kể sau 10-19 tuần, đặc biệt với biến thể Omicron. Và thật sự là BA.5 không phải là biến thể cuối cùng của virus gây bệnh COVID-19. Vì vậy chúng ta cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp cũng như tiêm chủng theo lịch tiêm được Bộ Y tế khuyến cáo. Các mũi nhắc lại sẽ giúp gia tăng nồng độ kháng thể, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng bệnh diễn tiến nặng hoặc tử vong, đặc biệt trong tình hình các biến thể mới liên tục xuất hiện trong tương lai.

- Hiện nay, tại Việt Nam, việc tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi thứ 4) được chỉ định cho các đối tượng:

• Tất cả những người tuổi từ 50 trở lên.

• Người từ 18 tuổi trở lên mà khả năng miễn dịch bị suy giảm từ mức độ vừa đến nặng.

• Người từ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp có nguy cơ cao bị bệnh như: cán bộ y tế, tuyến đầu hoặc công nhân hiện đang lao động tại các khu công nghiệp.

Theo ThS BS. Nguyễn Hiền Minh – Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Các tin đã đăng